Những ngày cuối tuần, vườn nho Lê My (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong) rất đông khách du lịch ghé thăm. Chủ vườn nho thuộc thế hệ 8x, khởi nghiệp với gần 1 hecta nho xanh và hồng nhật canh tác rải vụ. Mỗi khi, các vườn nho chín, khách đến tham quan sẽ check-in, thưởng thức trái cây tại vườn, mua nho tươi và các sản phẩm chế biến từ nho như: rượu nho, mật nho, nho khô... Gần đây, chủ vườn này còn liên kết với khoảng 20 hộ dân canh tác 4 hecta nho an toàn theo phương thức rải vụ để lúc nào cũng có nho chín phục vụ du khách. Có những thời điểm lên đến 30 chuyến xe du lịch ghé tham quan vườn nho. Từ đó, tạo việc làm khoảng chục lao động đồng thời thu nhập của các nhà vườn liên kết tăng hơn 20%. Nơi đây, trở thành điểm du lịch miệt vườn hấp dẫn không thua kém thủ phủ nho Ninh Thuận, như “thỏi nam châm” hút khách đến Tuy Phong.
Ông Nhữ Quốc Thích, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tuy Phong cho biết, việc canh tác nông nghiệp kết hợp làm du lịch đã phát triển trong vài năm gần đây tại địa bàn huyện. “Trên địa bàn huyện có khu du lịch chùa Cổ Thạch, mỗi khi khách đến tham quan chùa, sẽ có nhu cầu đi thăm các vườn nho trong khu vực huyện. Chính vì vậy mà ở xã Phước Thể, một số hộ dân đã sản xuất ra rượu nho, rồi một số sản phẩm mật liên quan tới nho để bán cho du khách. Thời gian đến, địa phương sẽ tiếp tục phát triển những mô hình như thế này một cách hiệu quả để mang lại đời sống ổn định cho người dân”, ông Thích chia sẻ.
Cũng cách làm như trên, trang trại Ba Tường (xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết) cũng đã chú trọng đến sản xuất nông nghiệp sạch đồng thời thu hút khách đến tham quan trải nghiệm, thưởng thức những đặc sản lợi thế của địa phương. Theo đó, trang trại này đã mở cửa đón khách đến tham quan và thưởng thức dừa xiêm Thiện Nghiệp tất cả các ngày trong tuần. Không chỉ vậy, khi đến đây du khách còn được hướng dẫn trải nghiệm cách thức chăm sóc cũng như cho các con đặc sản như: bồ câu, gà rừng lai và dông cát ăn thức ăn. Trang trại Ba Tường xây dựng hệ sinh thái liên kết sản xuất và tiêu thụ các con đặc sản sạch từ nhiều năm nay, nhưng kết hợp đưa vào làm du lịch trải nghiệm đồng thời thưởng thức món ăn đặc sản thì chỉ một năm trở lại đây. Cách làm nông nghiệp kết hợp với du lịch mới mẽ và thú vị này nhận được đánh giá cao từ phía chính quyền địa phương cho đến du khách.
Trước đây, khi nói đến du lịch Bình Thuận thường chỉ đề cập đến du lịch biển. Còn, bây giờ có thêm các trang trại nông nghiệp kết hợp làm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái nên sản phẩm du lịch của địa phương phong phú và đa dạng so với trước. Trong đó, phải kể đến mô hình du lịch canh nông “nho, táo ở huyện Tuy Phong”; “ngắm thác nước, núi rừng và thưởng thức trái cây Đa Mi ở huyện Hàm Thuận Bắc; du lịch sinh thái vườn bưởi ở Đông Hà hay du lịch sinh thái vườn sầu riêng ở Đa Kai huyện Đức Linh; “thanh long, dưa lưới và nho ngoại ở huyện Hàm Thuận Nam”; du lịch sinh thái vườn dừa kết hợp câu cá dã ngoại ở thị xã La Gi...
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, làm du lịch canh nông đang đi đúng hướng, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh giữa nông nghiệp kết hợp với du lịch tạo ra giá trị gia tăng cao. “Thời gian đến, phát triển du lịch canh nông gắn với xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết 05/2021 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển nông nghiệp hiện đại bền vững, có giá trị gia tăng cao đề cập. Để phát huy tiềm năng này, Nghị quyết 05 năm 2021 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, trong đó, nhấn mạnh hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có điều kiện kết hợp nông nghiệp với du lịch. Hiện, du lịch canh nông đã và đang đạt được kết quả khả quan”, ông Tấn nói.
Có thể nói, mặc dù mới xuất hiện nhưng du lịch canh nông hứa hẹn mang đến những lợi ích to lớn cho phát triển nông nghiệp nếu biết khai thác phát huy các tiềm năng lợi thế tại địa phương.