Hợp tác và liên kết trong phát triển du lịch

19/11/2024, 05:34

Hợp tác và liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương nhằm khai thác lợi thế tiềm năng đưa ngành du lịch phát triển, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương. Việc gắn kết, cùng phát triển du lịch giữa các địa phương đã được triển khai và có nhiều sự thuận lợi hơn nhằm phục vụ du khách.

ky-ket.jpg
Lễ ký kết giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.

Kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn

Mỗi vùng, địa phương đều có thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn lực phát triển, tiềm năng du lịch. Vì vậy, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã có sự phối hợp tổ chức các hoạt động chung với một số địa phương khác để tạo nên những sản phẩm du lịch, xác định thị trường trọng điểm, xây dựng sản phẩm đặc thù, nhất là công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến du lịch, qua đó giúp tiết giảm chi phí cho mỗi địa phương nhưng vẫn làm cho sản phẩm mang tính liên vùng. Việc bắt tay liên kết trong các hoạt động quảng bá du lịch cũng như trong xây dựng chính sách quản lý, phát triển sản phẩm, nguồn lực du lịch trong những năm qua đã góp phần từng bước định vị thương hiệu du lịch giữa các địa phương như một điểm đến có giá trị và thú vị với nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt. Để phát huy những lợi thế đó, tháng 10/2024, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận có buổi làm việc và trao đổi thông tin với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa hai địa phương. Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch này giữa 2 tỉnh là yêu cầu khách quan trong phát triển du lịch. Giúp mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của các địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi thế cạnh tranh, huy động nguồn lực, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến chung, thu hút đầu tư, thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội liên địa phương, liên vùng. Đây cũng là cơ hội để 2 địa phương kết nối, tăng cường phát triển du lịch tại 2 địa phương. Không chỉ liên kết trong phát triển du lịch với tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay tỉnh Bình Thuận đang tích cực hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh khác như: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai… Nội dung hợp tác nhằm trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch; Xúc tiến, quảng bá du lịch; Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch; Hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh liên quan đến du lịch. Bên cạnh đó, các bên thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình phát triển sản phẩm du lịch, các điểm du lịch, chương trình tour và các sản phẩm du lịch mới của địa phương để giới thiệu đến các doanh nghiệp trong, ngoài nước và trên các phương tiện thông tin đại chúng của mỗi bên… Việc ký kết còn để hỗ trợ nhau phát huy những lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển du lịch. Đồng thời tăng cường thu hút du khách, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, triển khai thí điểm tour du lịch, từ đó, phát triển các sản phẩm mới và làm mới các sản phẩm dựa trên tiềm năng mỗi địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển du lịch

Kết quả rõ nét nhất của sự hợp tác liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch chính là đưa thương hiệu du lịch miền Trung và Tây nguyên đến với du khách trong và ngoài nước, từ đó góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo thêm công ăn việc làm và ngân sách cho các địa phương. Dù đạt được những kết quả nhất định, song có thể thấy sự hợp tác, liên kết phát triển du lịch thời gian qua cũng mới chỉ tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, trong khi đó những vấn đề như xây dựng sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực… vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Việc xác định thị trường trọng điểm vẫn có những bất đồng do lợi thế, sản phẩm khác biệt giữa mỗi địa phương cũng như nguồn lực kinh phí không đồng đều. Để hướng đến sự chuyên nghiệp và đa dạng cần phải có kế hoạch liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương nhằm phát huy tính liên kết trong các hoạt động quảng bá du lịch chung, từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng, địa phương như một điểm đến có giá trị và thú vị. Đặc biệt, xác định chính sách quản lý phát triển du lịch, sản phẩm du lịch và nguồn nhân lực du lịch là những yếu tố quan trọng góp phần thay đổi diện mạo của du lịch địa phương. Tiến hành xây dựng bộ thông tin chung về du lịch vùng nhằm tổng hợp và cập nhật thông tin chung tham mưu Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của các địa phương, tạo cơ sở dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách liên kết vùng, liên kết hoạt động thanh tra nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn, xây dựng môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh. Khuyến khích Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp xây dựng các tour du lịch lợi thế của từng địa phương, liên kết đặt giữ chỗ khách sạn nhằm đa dạng hóa trải nghiệm của khách du lịch tại các địa phương. Tổ chức các khóa đào tạo tiếng nước ngoài với mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách từ thị trường, tổ chức hội thảo xúc tiến hợp tác quốc tế trong đào tạo du lịch, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo về du lịch trong vùng.

PHAN LIÊN

Related articles
Ban quản lý Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy: Nâng chất lượng thu hút du khách
Không chỉ dừng lại nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn giá trị lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu, mà Ban Quản lý Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ đang dần trở thành nơi học tập, tuyên truyền giáo dục và là điểm đến hấp dẫn du khách.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hợp tác và liên kết trong phát triển du lịch