Theo gợi ý của Nam – một hướng dẫn viên người địa phương, tôi cùng vài người bạn quyết định đến Hòn Tranh trong chuyến tham quan Phú Quý vào cuối tháng 4 vừa qua. Những năm gần đây, du lịch ở đảo phát triển vượt bậc nên chính quyền địa phương mới cho phép du khách đến đây tham quan. Chỉ mất 10 phút đi ca nô, chúng tôi đã đến Hòn Tranh, nơi có dòng nước màu ngọc bích tuyệt đẹp và bãi cát trắng mịn trải dài. Nam cho biết, hiện tại có khoảng 4 – 5 đơn vị có ca nô đưa khách tham quan nơi này với dịch vụ trọn gói như chèo sup, lặn ngắm san hô, ăn trưa trên đảo… Vào những ngày cuối tuần lượng khách ghé đảo nhỏ phải hơn 1.000 người/ngày. Đặc biệt, dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, hầu hết các tàu ca nô chạy hết công suất, đưa khách ra vô liên tục phải 3.000 - 4.000 lượt khách/ngày, đa số là các bạn trẻ thích chụp hình”.
Hôm chúng tôi ghé Hòn Tranh không phải dịp cuối tuần, nên đã tận hưởng hết sự bình yên nơi đây và khám phá từng vẻ đẹp tiềm ẩn mà thiên nhiên ban tặng. Trên đảo có 1 hàng quán nhỏ với hàng cây rợp bóng mát, phục vụ nước giải khát và cơm trưa, nếu khách có nhu cầu tham quan nguyên ngày. Theo lời kể của dân địa phương, đảo Hòn Tranh không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp còn hoang sơ, mà còn được biết đến là nơi thờ của các vị tướng tài giỏi. Miếu Trấn Bắc là nơi thờ Quận công Bùi Huy Ích, một tướng quân giỏi đã hy sinh trong khi bảo vệ Nguyễn Ánh. Tại miếu Trấn Bắc hàng năm thực hiện hai kỳ tế lễ chính vào ngày 12 tháng 3 ÂL cúng Bà Thiên Ya Na (Bà Chúa Ngọc) và ngày mùng 7 tháng 8 ÂL cúng Ông Trấn Bắc. Do miếu nằm bên đảo nhỏ, nên ít người qua lại, cảnh vật hoang vắng, huyền bí nhưng rất sạch sẽ, bởi lẽ nhiều ngư phủ sau mỗi chuyến biển dài ngày họ lại đến chiêm bái, cầu mong trời êm, biển lặng, mùa màng được bội thu. Bên phải miếu là lăng mộ thờ 72 ông Nam Hải cùng “lụy” một lúc (theo tương truyền của người dân trên đảo, năm đó cùng một lúc có 72 con cá voi chết và trôi dạt lên đảo Hòn Tranh không lý do. Người dân địa phương đã làm lễ an táng, sau đó xây lăng tẩm và thỉnh ngọc cốt của 72 vị nói trên đưa vào thờ phụng). Do đó, nơi đây thể hiện tín ngưỡng thờ cúng của ngư dân, được nhiều người đến đây tìm kiếm sự may mắn và an lạc.
Theo chân Nam, chúng tôi tiếp tục khám phá Hòn Tranh khi đến Vũng Phật – nơi có nhiều truyền thuyết linh thiêng khác nhau. Ở đây còn lưu giữ những dấu tích do núi lửa phun trào, tạo nên một khung cảnh độc đáo và hấp dẫn cho các du khách thích khám phá. Những mõm đá màu đen, đỏ xếp chồng lên nhau, nhấp nhô tạo nhiều hình thù đẹp mắt. Những bạn trẻ thích sáng tạo, đam mê nghệ thuật thì nơi đây quá lý tưởng, tha hồ cho các bạn có nguồn cảm hứng để sáng tác ảnh với vô vàn góc chụp tuyệt đẹp. Chưa hết, Nam còn dẫn chúng tôi đến hồ Sung Sướng, cổng Tò Vò… nơi mà những bạn trẻ ghé Hòn Tranh phải làm bộ ảnh để đời! Dịp lễ 30/4 vừa qua, khu vực này quá đông để có được những tấm hình đẹp, không dính người. Du khách muốn chụp ảnh, phải xếp hàng dài hoặc trèo lên những mõm đá cao để “săn” ảnh cho lạ. Nơi đây, còn có những khe nước trong xanh, màu ngọc bích tha hồ cho các bạn tắm mát, thư giãn.
Điều đặc biệt khi ghé Hòn Tranh lần này, những nơi du khách có thể “check in”, chúng tôi đều thấy những bảng hiệu nho nhỏ dọc lối đi như: “Xin khách vui lòng bỏ chai nhựa nơi đây”, “bỏ rác nơi đây”… Do đó, dù lượng khách ghé đảo rất đông, nhưng hầu như xung quanh đảo nhỏ khá sạch sẽ, các bạn hướng dẫn tour liên tục nhắc nhở du khách giữ vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định.
Không nói quá khi Hòn Tranh nói riêng và Phú Quý nói chung là nơi lý tưởng để tìm lại bình yên và tự do, là nơi “đi trốn” khỏi cuộc sống hối hả, quên đi những lo âu của công việc và cuộc sống thường nhật. Hòn Tranh là một viên ngọc thô chưa được mài giũa với vẻ đẹp còn hoang sơ và mộc mạc, nơi đây thật sự đẹp như tranh vẽ.
Chính vì thế, Phú Quý sẽ lắng nghe từng hơi thở của bạn, đừng chần chừ, xách balo lên và đi nhé!