Hội nghị Trung ương 6: Tạo sự thống nhất cao đối với dự thảo Kết luận về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia

04/10/2022, 22:01

Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội vào sáng ngày 3/10. Tại Hội nghị lần này Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tập trung thảo luận, cho ý kiến và quyết định về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị.

Cụ thể, tại hội nghị này, Trung ương sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 – 2025. Tại hội nghị, Trung ương sẽ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và một số vấn đề quan trọng khác, chủ yếu là về công tác cán bộ, công tác nhân sự. Một nội dung lớn của Hội nghị Trung ương 6 là bàn và quyết định định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

2-bnd-5089-654.jpg
Quang cảnh Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. (Ảnh: ĐĂNG KHOA - Báo Nhân Dân)

Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Hội nghị Trung ương lần này là Hội nghị để chúng ta tiếp tục triển khai việc thực hiện nhiệm vụ quán triệt, thực hiện các nội dung, vấn đề lớn, cốt yếu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. “Hầu hết các vấn đề chúng ta cần bàn và quyết định đều rất cơ bản, quan trọng, nhưng cũng rất khó, phức tạp và nhạy cảm. Nhiều vấn đề đã có chủ trương, chính sách và đã được tiến hành từ lâu nhưng đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, cần tiếp tục được thực hiện ở tầm mức mới với những quyết tâm mới, quyết sách mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới” – Tổng Bí thư phát biểu.

Chính vì vậy, Tổng Bí thư đã đề nghị Trung ương và các đại biểu tham dự Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thật sự dân chủ và đổi mới, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, sâu sắc để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Liên quan đến những nội dung cụ thể, Tổng Bí thư cũng đã có những định hướng quan trọng để Hội nghị thảo luận, quyết định. Chẳng hạn như đối với nội dung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 – 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu thật kỹ Báo cáo, Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ và thực tế ở bộ, ngành, địa phương nơi công tác, tập trung thảo luận, phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật của năm 2022, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải vượt qua; chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023, với tinh thần thật sự công tâm, khách quan, khoa học, toàn diện. “Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra để vừa phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và tạo tiền đề cho phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm sắp tới. Trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình, phân tích rõ nguyên nhân, cần xác định trúng những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nội dung lớn được Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) lần này xem xét. Đề cập đến nội dung này,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch được Quốc hội khoá XIV thông qua vào tháng 11/2017, thời gian qua Chính phủ đã sát sao chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong cả nước khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian sắp tới.Thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII, Hội nghị Trung ương lần này cần xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia do Ban cán sự đảng Chính phủ trình để chỉ đạo Chính phủ tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn thiện Đề án Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Nội dung của dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội xác định định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và việc phân bố, tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên toàn lãnh thổ quốc gia, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. “Đây là công việc lần đầu tiên chúng ta làm, rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm, song rất quan trọng và cấp thiết, các bộ, các ngành, các địa phương trong cả nước hiện đang rất mong đợi”, Tổng Bí thư nói. Theo đó, Tổng Bí thư đã đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu thật kỹ các tài liệu, thảo luận thật sôi nổi, sâu sắc những vấn đề nêu trong Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ, tạo sự thống nhất cao đối với dự thảo Kết luận của Trung ương về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, góp phần thiết thực cho việc lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nói riêng và các quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước nói chung.

Cũng trong ngày 04/10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII bước vào ngày làm việc thứ hai. Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận về Đề án tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Theo kế hoạch, Hội nghị Trung ương lần này làm việc đến ngày 9/10.

BẢO NGỌC (TỔNG HỢP)

Related articles
Bình Thuận chung tay xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Đảng, Nhà nước ta đang từng bước hiện thực hóa những chủ trương, đường lối, chính sách để thực thi nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN). Thế nhưng trong quá trình ấy, các thế lực thù địch, phản động cũng ra sức xuyên tạc, chống phá với mục đích làm cho nhân dân hiểu sai lệch về bản chất của nền dân chủ XHCN.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị Trung ương 6: Tạo sự thống nhất cao đối với dự thảo Kết luận về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia