Hội nghị Trung ương 5: Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021

04/05/2022, 19:16

* Tổng kết 3 nghị quyết và xây dựng 2 đề án

Sáng 4/5, tại thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII đã chính thức khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên khai mạc. Tỉnh Bình Thuận có các đồng chí Dương Văn An – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự hội nghị.

z3388522433669_856acea4e2606cf005c68bcd89952e64.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII).

Trong bài phát biểu khai mạc, đối với nội dung kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá việc kiểm điểm, tự phê bình được thực hiện nghiêm túc, bài bản, theo quy chế, quy trình từng bước hợp lý. Năm 2021, trong bối cảnh nhiều khó khăn, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có các quyết sách đúng đắn, kịp thời và phù hợp với thực tiễn để đất nước “đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có những dấu ấn nổi bật được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, bạn bè thế giới đánh giá cao”. Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn một số hạn chế. Công tác dự báo chiến lược, hoạch định đường lối, chính sách và tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có lúc, có việc chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. Trong phòng, chống dịch bệnh có lúc, có nơi còn chủ quan, bị động, hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất.

Tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến và quyết định các nội dung quan trọng. Đó là, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và một số nội dung quan trọng khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý một số vấn đề liên quan đến nội dung của các báo cáo, đề án, có tính chất gợi mở để các đại biểu quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét và quyết định. Liên quan đến nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Vì vậy, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất, nhằm đảm bảo hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Những nội dung được trình tại hội nghị lần này là những vấn đề lớn, khó và hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu như: đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới... Do đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

NGỌC DIỆP

Related articles
Góp ý Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
BTO- Chiều 29/4, ông Nguyễn Hữu Thông – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và hội, đoàn thể.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị Trung ương 5: Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021