Hết “Siêu mẫu nhí” đến “Siêu tiếng Anh nhí”: Phụ huynh phải hết sức tỉnh táo

10/11/2023, 14:22

BTO-Với cách thức, chiêu lừa khá giống nhau, các đối tượng lừa đảo đã đánh vào tâm lý các bậc phụ huynh muốn con trải nghiệm các game show cũng như thử thách khả năng trong các cuộc thi, do đó gần đây xuất hiện nhiều trang page, facebook giả mạo rất tinh vi khiến nhiều phụ huynh “sập bẫy”.

Lừa có tổ chức

Đầu tháng 11/2023, lướt facebook thấy một page có tên là “Chương trình tiếng anh - Super Junior 2023” có logo của VTV7, vốn là giáo viên tiếng Anh, nên chị T. T. M. (phường Thanh Hải – TP. Phan Thiết) vào xem. Đây là chương trình game show tiếng anh dành cho trẻ em tiểu học cực hấp dẫn được tuyển chọn trên toàn quốc, do kênh VTV7 Đài TH Việt Nam phối hợp tổ chức. Ngay trên ảnh đại diện, page này lấy danh nghĩa một trung tâm tiếng anh rất có tiếng cùng với logo VTV7 Đài TH Việt Nam. Không chỉ vậy, vào page xem có hàng ngàn lượt like, bình luận, chia sẻ cùng hình ảnh mùa 1 rất bắt mắt. Muốn con có cơ hội trải nghiệm, chị M. đã liên hệ qua page để thử đăng ký cho con chị, vốn có năng khiếu tiếng anh từ nhỏ.

398357847_708434054648339_1331415720435245608_n.jpg
Những trang page giả quảng cáo chương trình xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội.

Chỉ vài phút sau, page đã trả lời, xin thông tin, sau đó yêu cầu chị M. gửi 1 đoạn video cháu đang nói tiếng Anh để sơ tuyển trình độ đầu vào. Chị M. cứ thế làm theo yêu cầu, điền thông tin đầy đủ. Ngay sau đó, quản lý page giới thiệu một người tên Phạm Quốc Bảo là quản lý “Chương trình tiếng anh - Super Junior 2023” và đề nghị chị kết bạn và gửi thông tin của con cho anh này xác nhận hồ sơ và cập nhật trên hệ thống. Sau đó, anh “quản lý” này đã gửi lời mời “chúc mừng” con chị đã qua vòng sơ tuyển và mời chị vào nhóm riêng. Mọi tuần tự diễn ra khá bài bản, khiến chị M. không chút nghi ngờ gì. Đến khi vào được group zalo chung, chiêu trò bắt đầu được giăng ra, nếu không tỉnh táo, nhiều phụ huynh sẽ “sập bẫy” ngay.

z4866182622653_3f5c1d04c1fc90048d000ef93063ea7e.jpg
Yêu cầu phụ huynh thực hiện nhiệm vụ thì con mới được tham gia tuyển chọn.

Khi vào nhóm, chị M. thấy có nhiều phụ huynh khác cũng chờ đợi để thực hiện các bước tiếp theo như chị. Đầu tiên, đối tượng này giới thiệu Ban tổ chức chương trình có phối hợp với các nhà tài trợ để tổ chức gameshow này, do đó để giúp nhà tài trợ tăng tính quảng cáo sản phẩm cũng như tăng lượt tương tác, thì yêu cầu phụ huynh thực hiện 3 nhiệm vụ. “Phụ huynh chỉ việc thanh toán đúng giá trị sản phẩm nhà tài trợ yêu cầu tương tác qua số tài khoản đại diện “Nhà tài trợ liên kết Ban tổ chức Super Junior 2023”, ghi rõ nội dung “Mã ứng viên của bé”. Sau đó nhà tài trợ và Ban tổ chức đối chiếu xác nhận ứng viên hoàn thành và sẽ trả lại số tiền gốc cùng phần trăm chiết khấu sau 3 – 5 phút”. Đơn đầu tiên chỉ vài trăm nghìn đồng nên chị M. thực hiện theo.

base64-169924566440270378855.png
Khi chuyển số tiền lớn, hệ thống bắt đầu báo lỗi.

“Thấy sau vài phút, tiền được chuyển trả lại liền, nên tôi chẳng nghĩ ngợi gì. Dần dần, các đơn hàng tăng về giá trị, đến khi số tiền tôi chuyển vào tài khoản của các đối tượng lên tới hàng chục triệu đồng thì hệ thống liên tục báo lỗi. Lúc này mới nghi mình bị lừa, muốn lấy lại tiền nó bắt mình phải làm lệnh chuyển khoản khác để cộng dồn vào đơn lỗi rồi sẽ hoàn trả 1 lần”, chị M. buồn rầu kể. Đang lúc chị M. hoang mang nhất, thì nhóm “phụ huynh” hết người này rồi đến người khác chủ động kết bạn, tỏ vẻ hỏi thăm, xác nhận mình đã hoàn thành nhiệm vụ sau 2 lần lỗi, rồi động viên chị M. thực hiện lại lệnh để hoàn thành, chứ bỏ cuộc thì lỡ cơ hội cho con tham gia chương trình lớn.

An ninh mạng nên vào cuộc

Chị M. cho biết: “Thực sự lúc ấy là tôi bị “thao túng tâm lý”, mình lên mạng tìm hiểu thì phát hiện trang này lừa đảo, vẫn chụp hình gửi group, thế mà không hiểu sao vẫn tiếp tục làm theo yêu cầu một cách rất “vô thức”. Rất may, tôi đã thoát ra được sớm, chứ có nhiều phụ huynh bị “sập bẫy” hàng trăm triệu đồng”.

Sự việc đã trôi qua hơn tuần, nhưng ai hỏi đến chị M. vẫn còn hoang mang, bức xúc cực độ khi ngộ ra rằng mình vừa được đưa vào một cái bẫy vô cùng tinh vi và thắc mắc rằng số tài khoản mình chuyển vào là tên công ty hẳn hoi, có mã số thuế, địa chỉ và đại diện pháp nhân nhưng ngành chức năng không làm được gì. Khi chị báo cáo những page này là giả, lừa đảo thì quản trị facebook vẫn không chấp nhận!? Khi tìm kiếm trên facebook, chị M. phát hiện ra nhiều page có tên na ná giống nhau, đều đang thu hút đông người quan tâm. Được biết trước đó, đã có vài phụ huynh chút nữa cũng rơi vào “bẫy” tương tự khi đăng ký tham gia chương trình Siêu mẫu nhí. Chị M. hy vọng, an ninh mạng nên vào cuộc, có giải pháp ngăn chặn những page giả mạo này, để không còn phụ huynh nào bị mất tiền oan nữa.

z4866182648515_71e4425091e2c3b8508233b74b63d6c7.jpg
Đây là tên công ty mà chị M. thực hiện giao dịch chuyển tiền.

Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Minh, người tổ chức chương trình của kênh VTV7 đã đăng đàn trên trang chính thống, khẳng định tất cả những page đăng tin tổ chức tuyển chọn cho gameshow “Chương trình tiếng anh - Super Junior 2023” đều là giả mạo. Hiện tại phía đối tác và VTV7 chưa công bố bất cứ thông tin nào về Super Junior mùa 2. Ngoài ra, khi chương trình khởi chạy, Ban tổ chức không thu bất cứ khoản phí nào từ người đăng ký tuyển chọn ban đầu, càng không dụ vào “nhóm zalo” để yêu cầu làm nhiệm vụ.

z4866239961849_830880143f7db84af4949aeb5ec62293-1-.jpg
Hiện tại phía đối tác và VTV7 chưa công bố bất cứ thông tin nào về Super Junior mùa 2.

Trang Ms Hoa Junior cũng nhận được rất nhiều thông tin về cá nhân, tổ chức mạo danh chương trình Super Junior với nội dung thông báo tuyển chọn thí sinh nhí mùa 2 nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ms Hoa Junior khẳng định các thông tin được đăng trên những trang đó là sai sự thật. Phụ huynh tuyệt đối không chuyển khoản hay kích vào những đường link lạ từ các facebook cá nhân không thuộc hệ thống Ms Hoa Junior. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của Đài truyền hình Việt Nam VTV7, thương hiệu Ms Hoa Junior và gameshow Super Junior mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của ba mẹ và các con. Hiện, trang Ms Hoa Junior đang phối hợp với VTV7 lên phương hướng để giải quyết sự việc trong thời gian sớm nhất, tránh gây nhiễu loạn thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi của phụ huynh.

z4866182682671_e72f74a0e5149400bbfd3ca423c20c8a.jpg
VTV7 cũng lên tiếng cảnh báo những trang giả mạo.

Theo Bộ Công an, hiện đang có 24 hình thức lừa đảo qua mạng hướng vào người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động và nhân viên văn phòng. Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí, lựa chọn thí sinh cho các chương trình là một trong những hình thức mới mà các đối tượng đang “giăng bẫy”. Trước những chiêu trò lừa đảo sử dụng trẻ để đánh vào tâm lý phụ huynh, cơ quan Công an khuyến cáo người dân không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Telegram… không quen biết. Thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn). Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy gửi phản ánh về địa chỉ của Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam https://canhbao.khonggianmang.gov.vn.

MINH VÂN

Related articles
 Hàm Tân
Khuyến cáo người dân cảnh giác các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội
BTO - Thời gian gần đây, Công an huyện Hàm Tân tiếp nhận nhiều vụ việc người dân đến trình báo bị các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, mạng xã hội, mạng internet để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, Công an huyện khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, tránh sa bẫy của các đối tượng lừa đảo.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hết “Siêu mẫu nhí” đến “Siêu tiếng Anh nhí”: Phụ huynh phải hết sức tỉnh táo