Khuyến khích người dân tận dụng diện tích đất đồi, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư vốn, công sức, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại, gia trại mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm .
Điển hình như gia đình anh Trương Hữu Hiền ở thôn 2, xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân. Trước đây gia đình anh chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Đầu năm 2021 anh Hiền đã bắt tay thực hiện mô hình trang trại chăn nuôi gà. Trên tổng diện tích 3 trại là 1.800m2, anh Hiền nhập bình quân mỗi trại 6.000 con giống 1 ngày tuổi từ trại gà giống Minh Dư ở Bình Định về nuôi với hình thức gối đầu. Ngoài ra anh còn xây dựng hệ thống chuồng úm gà con. Với hệ thống quy mô hiện đại theo quy trình khép kín, kết hợp với kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nghiêm ngặt nên trang trại gà của gia đình anh luôn phát triển ổn định. Mỗi năm gia đình anh xuất ra thị trường 2 đợt gà thịt thương phẩm mỗi đợt từ 15 đến 17.000 con, thu lợi hàng trăm triệu đồng.
Cũng giống như gia đình anh Hiền, trước đây, ngoài việc buôn bán phân bón thuốc bảo vệ thực vật để cung cấp cho bà con nhà nông, quanh năm gia đình anh Nguyễn Phúc ở thôn 5, Tân Đức chỉ tần tảo với việc vườn tược, chăm sóc cây thanh long mà thu nhập lại khá bấp bênh. Qua thời gian tìm hiểu để chuyển đổi phương thức kinh doanh, anh Phúc đã chuyển đổi 5 ha diện tích đất vườn sang trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò và đầu tư xây dựng trang trại nuôi bò vỗ béo với quy mô trên 50 con. Gia đình anh bỏ vốn gần 3 tỷ tiền xây dựng trang trại và mua con giống. Số tiền vốn ban đầu bỏ ra tuy rất lớn nhưng được cái nuôi bò vỗ béo có nhiều lợi thế hơn so với nuôi bò chăn thả, nguồn vốn xoay vòng nhanh và mang lại thu nhập cao.
Giống bò anh Phúc chọn để vỗ béo là loại bò lai ở các trại bò giống trong Bình Dương, Bình Phước. Anh thường chọn những con gầy nhưng có khung xương to, vóc dáng lớn để mua. Sau đó vỗ béo bằng các loại thức ăn như: cỏ voi, cây chuối, băm trộn với ngô, sắn, cám, bả bia, bả đậu cho ăn đủ, ăn đều ngày 5 bữa; nước uống phải sạch, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ. Sau khoảng 5 tháng mỗi con có thể đạt trọng lượng từ 5 đến 6 tạ, lông bóng mượt, bắp và mông đầy đặn là có thể xuất bán được. Hiện, gia đình anh Phúc đang duy trì nuôi 52 con/lứa, mỗi lứa cho thu nhập gần 800 triệu đồng. So với chăn nuôi bò thịt từ lúc nhỏ thì nuôi vỗ béo bò trong vòng 5 tháng cho hiệu quả kinh tế cao hơn và thời gian xoay vòng vốn lại nhanh; từng bước giúp người dân chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo số liệu thống kê, toàn huyện có 43 mô hình trang trại, hàng trăm gia trại lớn, nhỏ tại các địa phương. Trong thời gian qua, nhằm phát triển các mô hình trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao. Huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ như: Đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống đường điện, vốn vay, con giống… Nhờ đó đã tạo điều kiện cho các trang trại, gia trại phát triển ổn định, bền vững, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.