Gỡ vướng mắc để quản lý chặt tàu “3 không”

24/06/2024, 05:08

Mặc dù là một trong những tỉnh, thành tiên phong thực hiện rà soát, thống kê, đăng ký tạm tàu cá “3 không” (không đăng ký, đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản), tuy nhiên số lượng tàu cá này cứ phát sinh do các địa phương quản lý chưa chặt chẽ. Ngoài ra, toàn tỉnh còn gần 200 tàu “3 không” chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm tời, do gặp nhiều vướng mắc.

Vướng thủ tục

Theo Chi cục Thủy sản, qua công tác rà soát tàu cá đóng mới, cải hoán, mua bán, tặng cho đang hoạt động nhưng chưa đăng ký trên địa bàn tỉnh tồn đọng trước ngày 6/5/2024 có 2.531 chiếc. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m là 2.303 chiếc; tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m là 137 chiếc; tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên có 91 chiếc. Phân theo địa phương, TP. Phan Thiết có 436 chiếc; thị xã La Gi có 812 chiếc; các huyện Tuy Phong có 666 chiếc, Phú Quý có 295 chiếc, Hàm Thuận Nam có 103 chiếc, Hàm Tân có 213 chiếc, Bắc Bình có 5 chiếc, Hàm Thuận Bắc có 1 chiếc. Đến nay, Chi cục Thủy sản đã kiểm tra hiện trạng và cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá tạm thời cho 2.348 tàu cá “3 không”/2.531 chiếc. Trong đó, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá tạm thời cho 2.152 tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m; 120 tàu cá có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m; 76 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên. Như vậy, hiện nay số tàu cá của tỉnh chưa được kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đăng ký tạm vẫn còn 183 chiếc.

z4341092285805_461696379041a915032ec42058ddbf58.jpg
Toàn tỉnh có hơn 2.000 tàu cá "3 không".

Là một trong những địa phương có tàu “3 không” nhiều nhất tỉnh, thời gian qua huyện Tuy Phong cũng đã tăng cường rà soát, thống kê và tuyên truyền sâu rộng để ngư dân thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay Tuy Phong vẫn còn 56 chiếc chưa được cấp giấy chứng nhận tạm thời và số tàu “3 không” sau thời gian ngắn lại phát sinh. Theo lãnh đạo địa phương này, một trong những nguyên nhân chính là một số ngư dân đã tự ý cải hoán tàu, máy móc để chuyển sang nghề khai thác không được phép như nghề giã cào nên các trung tâm đăng kiểm không thể hoàn thành thủ tục. Ngoài ra, nhóm tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m hầu hết không có hóa đơn giá trị gia tăng khi đóng tàu hay cải hoán tàu, nên không thể cấp phí trước bạ - một trong những thủ tục bắt buộc để cấp giấy phép khai thác hải sản theo Thông tư 06 của Bộ NN&PTNT.

z5449610577981_cea794058768a58f1f779e9c237a2cbe.jpg
Đa số tàu cá mua bán không có hồ sơ gốc, không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ nên không thể cấp giấy chứng nhận tạm thời (ảnh minh họa)

Việc ngư dân đăng ký tàu cá và được cấp phép khai thác hải sản cho tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m là quy định bắt buộc tại Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực năm 2019. Đây cũng là các nội dung quan trọng để Bình Thuận góp sức cùng cả nước thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU. Do đó, công tác rà soát tàu “3 không” được UBND tỉnh chỉ đạo thường xuyên, nhưng đến nay vẫn còn không ít khó khăn.

Hoàn tất cấp đăng ký trong tháng 9

Tại cuộc họp mới đây giữa các sở, ban, ngành với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải để gỡ vướng mắc xung quanh vấn đề này, ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đối với việc không đăng ký chính thức được cho 183 tàu cá “3 không” còn lại của tỉnh là do tàu cá đóng mới, mua bán chiều dài từ 12 m trở lên có máy chính là máy bộ, các tàu cá này không được cơ quan đăng kiểm cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật; tàu cá đóng mới, không xin phép; tàu cá mua bán không có hồ sơ gốc, không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Do đó, các tàu cá này không đầy đủ giấy tờ để kê khai trước bạ theo quy định và không đáp ứng đầy đủ thành phần hồ sơ đăng ký tàu cá tại Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

tau-thuyen-danh-bat-hai-san-o-phu-quy-anh-n.-lan-3-.jpg
Toàn tỉnh có gần 200 tàu cá “3 không”, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu phải hoàn tất việc rà soát, cấp đăng ký tàu trong tháng 9/2024.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải yêu cầu các sở, ngành của tỉnh tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao về chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp ngày 17/6/2024. Mục tiêu chung của tỉnh Bình Thuận là cùng với cả nước thực hiện các giải pháp để tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC cho ngành thủy sản Việt Nam. Đối với 183 tàu cá “3 không” của tỉnh còn vướng mắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chi cục Thủy sản phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan, nhất là Cục Thuế tỉnh, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thành các thủ tục và sớm cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá tạm thời cho các tàu cá này. Bên cạnh đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phải hoàn tất việc rà soát, cấp đăng ký tàu “3 không” trong tháng 9/2024; giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND huyện nếu tiếp tục để phát sinh tàu “3 không”.

Nếu không thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp từ các địa phương, thì rất khó quản lý chặt đội tàu này, dẫn đến nguy cơ vi phạm khai thác IUU rất cao và con đường gỡ “thẻ vàng” IUU sẽ thêm phần khó khăn.

MINH VÂN

Related articles
Bình Thuận quyết liệt kiểm soát tàu “3 không”
Là một trong những tỉnh có số lượng tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản) nhiều nhất nước với hơn 2.000 chiếc, đã gây khó khăn trực tiếp cho việc kiểm soát, xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, Bình Thuận là tỉnh đã tiên phong hoàn thành việc đăng ký tạm thời số lượng lớn tàu “3 không” - là một trong những khuyến cáo quan trọng mà đoàn Thanh tra EC sẽ kiểm tra lần 5 sắp tới đây.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ vướng mắc để quản lý chặt tàu “3 không”