Giữ môi trường cụm công nghiệp, khu dân cư ở Đông Hà: Ở thế như đi xiếc trên dây. Bài 1

11/07/2023, 05:44

Thật khó chấp nhận, nếu vì mùi hôi khiến những đoàn doanh nghiệp nước ngoài tìm đến các cụm công nghiệp ở xã Đông Hà, huyện Đức Linh để tìm cơ hội đầu tư mà bỏ đi hoặc những doanh nghiệp đã vào rồi mà ngại đầu tư nhà máy giai đoạn 2.

Để điều đó không xảy ra phải giữ môi trường ở khu vực này trong thời gian chờ các trang trại chăn nuôi ở xung quanh di dời đi hoặc chuyển công năng. Từ đây, vô tình tạo ra thế như đi xiếc trên dây, không chỉ cho nhà đầu tư mà còn của chính quyền, nhất là khi các cụm công nghiệp nơi này mang sứ mệnh sớm góp phần giúp tỉnh tự chủ ngân sách vào năm 2025.  

chnh-n.-lan-1-.jpg
Chợ Nam Hà trong khu dân cư Nam Hà, xã Đông Hà, huyện Đức Linh. Ảnh: N.Lân

Bài 1: Nước đã tràn ly

Cuộc họp ngày 15/6 kết thúc lúc 1 giờ chiều thì sau 5 giờ chiều hôm đó, người dân và các nhà đầu tư ở đây lại bắt đầu nghe mùi phân heo nồng nặc trở lại.

Chuyện trong cuộc họp ngày 15/6/2023

Sau khi Báo Bình Thuận phản ánh tình hình mùi hôi, ruồi nhặng “tấn công” cụm công nghiệp (CCN), khu dân cư (KDC) Nam Hà ở xã Đông Hà, Đức Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã có chỉ đạo qua Công văn số 2688/VP-KT ngày 8/6/2023 về việc kiểm tra, xác minh tình trạng ô nhiễm môi trường của các trại chăn nuôi gần các CCN, KDC Nam Hà. Sau đó, ngày 15/6, một cuộc họp với sự tham gia của đại diện các sở, ngành liên quan, UBND huyện Đức Linh và 2 xã Đông Hà, Trà Tân do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã diễn ra với hoạt động tiến hành kiểm tra, làm việc với Công ty TNHH Nam Hà – Đức Linh và các trang trại chăn nuôi gần các cụm công nghiệp, khu dân cư Nam Hà gồm 3 trại heo và 2 trại gà. Tất nhiên, trước đó giấy mời đã gửi đến các trang trại chăn nuôi trên và hôm họp đại diện các trang trại đều có mặt.

Theo nội dung biên bản cuộc họp ngày 15/6/2023 thì tại thời điểm kiểm tra, xác minh (vào khoảng 9 giờ đến 10 giờ ngày 15/6/2023), đoàn làm việc có khảo sát tại các vị trí gần với CCN, KDC Nam Hà, khu vực dễ phát sinh mùi, ruồi nhặng của các trang trại (như: sau quạt hút dãy chuồng nuôi, khu xử lý chất thải, cổng ra vào...) và đánh giá cảm quan. Cụ thể, đoàn kiểm tra có ghi nhận: “Tại các vị trí đã khảo sát của 4 trang trại chăn nuôi gần các CCN, KDC Nam Hà (gồm: Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận, Trang trại Đông Hà, Trang trại gà Đức Phát và Trang trại gà TaFa Việt) hầu như không có mùi hôi, chưa phát hiện có phát sinh ruồi nhặng phát sinh; riêng Trại chăn nuôi heo hộ dân Phạm Văn Thành có phát sinh mùi đặc trưng của hoạt động chăn nuôi heo tại sau các quạt hút, có phát hiện ruồi nhặng phát sinh ít tại trại. Đoàn làm việc khảo sát tại vị trí kinh doanh ăn uống của CCN Nam Hà (Kiot 23) và đánh giá cảm quan hầu như không có mùi hôi; theo quan sát, ruồi nhặng có phát sinh ít và đang dính bám trên 4 miếng dính ruồi”.

Tại cuộc họp, các chủ trang trại chăn nuôi lần lượt nêu các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi của đơn vị, khi mà cả 4 trang trại đều đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường từ nhiều năm trước. Vì thế, cũng đã hoàn thành công trình xử lý, có biện pháp giảm thiểu chất thải theo hồ sơ môi trường đã phê duyệt, như: Xây tường rào, trồng dãy cây xanh cách ly; lắp đặt tole che chắn, lắp đặt các tấm màn lưới kết hợp với hệ thống phun sương nước (có sử dụng men vi sinh, các dung dịch hấp thụ) ở phía sau quạt hút của các dãy chuồng trại để hấp thụ mùi hôi. Phun, xịt chế phẩm sinh học, thuốc khử sát trùng tại vị trí dễ phát sinh mùi, ruồi nhặng định kỳ để đảm bảo an toàn sinh học. Phân được thu gom, quản lý và đóng bao hoặc ủ phân kín theo công nghệ nước ngoài (Trại TaFa Việt) và chuyển giao cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu làm phân bón. Nước thải chăn nuôi được thu gom, xử lý bằng công nghệ sinh học, không xả nước thải ra môi trường. Nếu vậy mùi hôi, ruồi nhặng ở đâu ra? Theo nhận định của đại diện các trang trại tại cuộc họp, là ở khu vực xã Đông Hà, xã Trà Tân trồng nhiều cây cao su, cây ăn trái (cây xoài) và người dân địa phương thường sử dụng phân heo, phân gà để bón gốc cây, trái cây chín rụng dưới gốc phân hủy. Và đây là thời điểm đầu mùa mưa nên dễ phát sinh ruồi nhặng, mùi hôi. Nếu mùi hôi, ruồi nhặng xuất phát từ rừng cao su, vườn xoài ấy thì sao thời điểm đoàn đi kiểm tra lại không có mùi?.

z4503359816830_4e2c2593470ff531b8f8cdb82c8c87bb.jpg
UBND huyện họp giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, khu dân cư ở xã Đông Hà.

Chuyện trong cuộc họp ngày 26/6/2023

Cuộc họp ngày 15/6 kết thúc lúc 1 giờ chiều thì sau 5 giờ chiều hôm đó, người dân ở khu vực này và các nhà đầu tư ở đây lại bắt đầu nghe mùi phân heo nồng nặc trở lại. Nhận tin, một số thành viên trong cuộc họp thuộc sở, ngành chức năng đã quay trở lại kiểm tra đột xuất bên ngoài hàng rào của các trang trại vào những ngày hôm sau thì phát hiện có mùi hôi phát tán. Tương tự, lãnh đạo ở huyện Đức Linh cũng sắp xếp đi bất ngờ như thế và cũng nhận về kết quả bất ngờ không giống như đánh giá tại cuộc họp ngày 15/6 là không có mùi hôi. Vì vậy, ngày 26/6, UBND huyện Đức Linh lại tổ chức cuộc họp với nội dung tương tự. Tại đây, các nhà đầu tư cụm công nghiệp, khu dân cư, nhà máy lại tiếp tục phản ánh mùi hôi, ruồi nhặng với những kiến nghị kèm nỗi lo lắng nhiều hơn. Còn các trang trại chăn nuôi lại tiếp tục nói về việc tuân thủ chấp hành quy định bảo vệ môi trường song song với quá trình chăn nuôi như trong cuộc họp hôm trước. Đồng thời, cũng tiếp tục mong muốn cùng với nhà đầu tư CCN, KDC Nam Hà phối hợp để phát triển hài hòa, đảm bảo lợi ích các bên và giải quyết các xung đột xảy ra. Còn chuyện tình cờ nghe được mùi hôi thì đại diện các trang trại cho rằng, với đặc thù của loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, việc phát sinh mùi hôi đặc trưng như thế là bình thường. Hay mùi hôi quá nồng nặc có phát tán ra ngoài thì có thể rơi đúng vào thời điểm “làm chuồng”, cộng gặp mưa như lời của đại diện Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận.

Điều đáng chú ý, đại diện Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận tham gia cuộc họp ngày 26/6 do UBND huyện Đức Linh tổ chức, cho rằng không thể di dời trại heo trước ngày 30/12/2023. Trong khi tại cuộc họp hôm 15/6, do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, chính giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận đã ký vào từng tờ trong biên bản, trong đó có nội dung đề nghị Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) báo cáo Hội đồng quản trị công ty quan tâm phối hợp UBND huyện Đức Linh khảo sát, tìm vị trí đất phù hợp trên địa bàn huyện và đẩy nhanh tiến độ di dời đến vị trí mới trước ngày 30/12/2023. Thật ra, việc di dời trại heo không phải là bất ngờ với Vissan, vì từ tháng 7/2020, UBND xã Đông Hà đã có tờ trình về việc đề nghị di dời Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận. Từ đó đến nay, UBND huyện Đức Linh có rất nhiều văn bản nhắc nhở điều đó. Trại heo Vissan hứa sẽ di dời nhưng đến bây giờ vẫn hoạt động ở đây cùng với “quy trình” xả mùi hôi thường từ sau 5 giờ chiều đến sáng sớm hôm sau. Vì sao đã 3 năm, trại heo Vissan chưa thể di dời?

Bài 2: Vì sao chậm di dời trại heo Vissan?

Bài 3: Kiểm tra, giám sát trong áp lực thay đổi

Bài 4: “Thời gian vàng” thu hút đầu tư

BÍCH NGHỊ

Related articles
Chủ động phòng ngừa bạo lực gia đình
Từ ngày 1/7/2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2022 có hiệu lực với nhiều điểm mới đáng chú ý, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm quyền con người nhất là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ môi trường cụm công nghiệp, khu dân cư ở Đông Hà: Ở thế như đi xiếc trên dây. Bài 1