Gìn giữ và phát huy giá trị Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

10/09/2024, 05:11

Cuối tuần qua, Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Hội thảo đã cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm làm sâu sắc hơn giá trị lịch sử, ý nghĩa và tầm vóc thời đại của bản Di chúc thiêng liêng.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bản văn kiện lịch sử vô giá, là tinh hoa trí tuệ, tình cảm và khát vọng của một người lãnh đạo cách mạng, của một người con yêu nước suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Nội dung của Di chúc không chỉ là lời dặn dò cuối cùng của Người đối với Đảng, quân đội và nhân dân ta mà còn là kim chỉ nam cho hành động của toàn dân tộc trong suốt 55 năm qua. Chúng ta tự hào rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng phát triển và phồn vinh. Những thành quả ấy là minh chứng sống động cho việc thực hiện thành công những chỉ dẫn quý báu của Bác Hồ trong Di chúc.

f33fccd6-56ac-40de-8b15-f606a98620b8.jpeg
Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Dụng Văn Duy nhấn mạnh: “Bước vào giai đoạn mới, đất nước ta đang đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng ta cần tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để vượt qua mọi khó khăn, thử thách”. Hội thảo khoa học với chủ đề “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là hoạt động để tưởng nhớ, tri ân những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam; khơi dậy ý chí, tinh thần quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có cán bộ, đảng viên, giảng viên, thực hiện thành công di nguyện cao cả của Người.

Hội thảo thu hút 31 bài tham luận tập trung phân tích, nghiên cứu về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những góc độ, khía cạnh, lĩnh vực hoạt động, nghiên cứu khác nhau, làm sâu sắc thêm giá trị lịch sử, tầm vóc thời đại của bản Di chúc; nêu bật những thành tựu, bài học kinh nghiệm qua 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và làm rõ ý nghĩa định hướng trong Di chúc của Người đối với cách mạng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời đại mới. Cô Nguyễn Thị Như Yến – Trưởng khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị tỉnh chia sẻ: “Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong công cuộc đổi mới hiện nay của đất nước ta. Nhận thấy được giá trị đó, bản thân là một giảng viên của trường, tôi đã thực hiện việc đưa hình ảnh của Người qua bản Di chúc vào trong bài giảng để các học viên một lần nữa có dịp nhìn lại giá trị to lớn của bản Di chúc. Từ đó, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong việc phục vụ nhân dân trong quá trình xây dựng, đổi mới của đất nước ta hiện nay”. Theo cô Võ Thị Xuân Thuận - Phó Trưởng khoa xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử, tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam có giá trị và lý luận thực tiễn không chỉ với dân tộc ta mà đối với cả thế giới. Việc nghiên cứu, tìm hiểu về Di chúc của Người chưa bao giờ là cũ. Thực tế, đối với Trường Chính trị tỉnh đã nhiều lần tổ chức các hội thảo về Di chúc của Bác. Mỗi lần tổ chức hội thảo, đội ngũ viên chức nhà trường, đặc biệt là đội ngũ giảng viên lại có dịp để ôn lại những giá trị to lớn của Di chúc và nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc hơn nhiều khía cạnh trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Di chúc. Từ đó, vận dụng vào công tác giảng dạy, đặc biệt kiên quyết đấu tranh với mọi luận điệu xuyên tạc về giá trị, ý nghĩa của bản Di chúc. Trong nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh, đội ngũ giảng viên luôn chú trọng tuyên truyền cho học viên ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đặc biệt, luôn luôn nhấn mạnh học tập tư tưởng Hồ Chí Minh điều cốt lõi, quan trọng nhất đó là làm theo gương Bác...

Thực hiện Di chúc của Bác Hồ, mỗi cán bộ, đảng viên càng luôn ghi nhớ lời Bác căn dặn, phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; đồng thời phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng. Thông qua hoạt động kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội thảo là dịp để đảng viên, viên chức thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần củng cố và bồi đắp niềm tin với Đảng, cổ vũ các phong trào thi đua, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra, góp phần hoàn thành ước nguyện thiêng liêng, cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa.

THANH THUỶ

Related articles
Kỷ niệm 79 năm ngày Quốc Khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024): Niềm tin và khát vọng
Trong đường lối lãnh đạo, Đảng ta đặc biệt chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo Nhân dân hưởng ứng tham gia bằng khát vọng và niềm tin vào Đảng. Từ đó tạo ra sức mạnh đưa Cách mạng đến thành công. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là một minh chứng sống động cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gìn giữ và phát huy giá trị Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh