Giảm thiểu rủi ro tai nạn trên biển

08/11/2021, 07:49

BT- Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn, sự cố trên biển làm hàng chục người chết và mất tích, thiệt hại tài sản hàng chục tỷ đồng. Chuẩn bị bước vào vụ bấc, thời tiết những tháng cuối năm càng diễn biến phức tạp, do đó để các chuyến vươn khơi an toàn trong mùa mưa bão, ngư dân nên chủ động nâng cấp trang thiết bị an toàn kỹ thuật tàu cá và phải duy trì kết nối thông tin liên lạc để ngành chức năng hỗ trợ cứu trợ, cứu nạn kịp thời.

Tàu thuyền không đảm bảo an toàn kỹ thuật sẽ không cho xuất bến.

 Lo ngại tai nạn trên biển

Mới đây, ngày 19/10, 1 xuồng máy không số có công suất 24 CV, hành nghề lưới nậu, do ông Nguyễn Ngọc H. (SN 1987, KP4, Bình Tân, thị xã La Gi) làm chủ, xuất bến tại Cảng La Gi lúc 4 giờ 30 phút (có làm thủ tục xuất bến), hoạt động gần khu vực vùng biển Hòn Bà, cách cửa biển La Gi khoảng 3 hải lý về hướng đông. Đến 6 giờ cùng ngày, trong khi ông H. đang thu hồi lưới thì gió mạnh, nước chảy xiết nên bị rơi xuống biển. Lúc này, ông Nguyễn Anh Tuấn (SN 1987) ở cùng địa phương đang neo đậu xuồng máy gần đó phát hiện và nhảy xuống biển cứu vớt nhưng không kịp. Sau 15 phút tìm kiếm không được, ông Tuấn đã liên hệ với người nhà nạn nhân thông tin sự việc để tiếp tục tìm kiếm. 2 ngày sau, thi thể ông H. mới được tìm thấy và bàn giao cho gia đình.

Trước đó, vào ngày 1/10, tàu cá BTh 8134 TS, công suất 22 CV, hành nghề câu mực, gồm 2 lao động, do ông Lê Thành Nhanh (SN 1976, xã Ngũ Phụng, Phú Quý) làm chủ kiêm thuyền trưởng. Khi tàu đang hoạt động ở vùng biển cách tây bắc đảo Phú Quý khoảng 2 hải lý, thì bị tàu cá BT 3851 TS (chưa rõ thông tin) đâm va sau đó bỏ chạy. Hậu quả, làm tàu cá của ông Nhanh bị vỡ viền trái, bể 1 nắp hầm và rơi mất 1 nắp hầm xuống biển, máy không hoạt động được, còn lao động Lê Thanh Sang (SN 2006) bị thương ở tay. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng CKC Phú Quý phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, xác minh làm rõ vụ việc. Mặt khác, chỉ đạo các Đồn Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát nếu phát hiện tàu cá BT 3851 TS đang neo đậu, hoạt động trên vùng biển, tạm giữ để điều tra, xử lý theo quy định.

Mới đây nhất, ở Phú Quý cũng xảy ra vụ cháy tàu khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Rất may 13 thuyền viên nhanh chóng nhảy khỏi tàu kịp thời. Ngày 19/10, tàu cá BTh 98272 TS, công suất 750 CV, hành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá, do ông Nguyễn Văn Mười (SN 1973), trú xã Long Hải làm thuyền trưởng. Khi đang hoạt động tại khu vực biển cách đảo Côn Sơn khoảng 85 hải lý về hướng nam, thì tàu cá bị chập điện, gây cháy, chìm hoàn toàn, thiệt hại nhiều tỷ đồng. 13 thuyền viên trên tàu đã nhanh chóng nhảy xuống biển, bám níu vào các thanh gỗ, thùng xốp và áo phao. Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển các thuyền viên may mắn được tàu cá ST 90278 TS đang khai thác hải sản gần đó cứu vớt đưa vào đảo Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) an toàn. Đến 2 giờ sáng 28/10, tàu cá BTh 95869 TS đã đưa 13 thuyền viên cập cảng Phú Quý, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Phòng tránh rủi ro

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, từ những vụ việc trên cho thấy, tai nạn, sự cố trên biển luôn rình rập một phần là do tàu thuyền đi biển đã cũ hoặc không đảm bảo kỹ thuật; trang thiết bị thông tin liên lạc không đồng bộ. Ngoài ra, một số ngư dân không có chứng chỉ, bằng lái, giấy chứng nhận (thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên) vẫn tham gia hoạt động trên biển. Nhiều tàu cá còn cố tình tắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS), dẫn đến khó khăn trong giám sát, theo dõi tàu cá hoạt động và có sự hỗ trợ cảnh báo thiên tai kịp thời. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn cho người và tàu cá của một bộ phận bà con ngư dân chưa cao.

Ngư dân trong tỉnh đang chuẩn bị bước vào vụ cá bấc, đây là khoảng thời gian được cảnh báo có thời tiết diễn biến bất thường với gió thổi mạnh, biển động. Để phòng tránh rủi ro tai nạn do thiên tai gây ra, cũng như phòng chống cháy nổ khi hoạt động trên biển, trước hết là ngư dân cần nâng cao ý thức. Trước khi ra khơi, chủ tàu thuyền cần kiểm tra tình trạng an toàn của tàu, trang bị đầy đủ các trang thiết bị thông tin liên lạc và trang thiết bị an toàn, cứu nạn cho người và tàu. Đặc biệt, phải thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo thiên tai, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết trước khi ra khơi. Ngành chức năng cũng phải thường xuyên tăng cường, phối hợp kiểm tra, yêu cầu chủ phương tiện, thuyền trưởng phải ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, mở thiết bị VMS 24/24, kiên quyết không cho xuất bến đối với tàu thuyền hết hạn đăng kiểm, không đảm bảo an toàn trước khi ra khơi…

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, trong 9 tháng đầu năm, trên biển đã xảy ra 78 vụ tai nạn, sự cố, làm chết 68 người, mất tích 8 người, bị thương 2 người, chìm 19 tàu cá, hư hỏng 1 tàu cá khác và 2 tàu cá bị cháy.

Minh Vân


Related articles

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm thiểu rủi ro tai nạn trên biển