Giải pháp nào cho đối tượng nghiện ma túy?

28/04/2021, 09:14

Bài 1: Khi “con nghiện”… đi xin khắp phố

BT- LTS: Vốn là “điểm nóng” của tỉnh về ma túy, những năm gần đây, huyện Tuy Phong nói chung và thị trấn Phan Rí Cửa nói riêng đã thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn lẫn mềm dẻo nhằm hạn chế tình trạng người nghiện ma túy gia tăng. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất từ UBND huyện, số người nghiện ma túy lại có chiều hướng tăng, số người tái nghiện chiếm tỷ lệ cao, gây bất an cho người dân và ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương. Đặc biệt, một bất cập lớn hiện nay là những đối tượng đã có giấy triệu tập đi cai nghiện bắt buộc của tòa án lại phải “chờ” vì cơ sở điều trị nghiện ma túy của tỉnh đang quá tải.

                
Các đối tượng nghiện ma túy đi xin khắp nơi    ở thị trấn Phan Rí Cửa.

Người già, trẻ em đi xin vốn là lẽ thường tình, nhưng hiện nay thanh thiếu niên vẫn ngửa tay xin tiền khiến nhiều người không khỏi khó chịu. Và người dân càng lo lắng, bất an hơn khi hầu hết những thanh thiếu niên ấy là đối tượng đang sử dụng ma túy.  

Công khai sử dụng ma túy

Trong một lần tôi vào chợ thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong), đang loay hoay lựa đồ, 1 thanh niên ngoài 20 tuổi, cao, ốm đến vỗ vai tôi: “Chị ơi cho em xin 10.000 đồng…”. Tôi ra hiệu không cho nhưng thanh niên này cứ đứng nài nỉ với khuôn mặt hốc hác, 2 mắt đỏ ngầu: “Em lỡ chơi ma túy, cho em xin ít tiền mua “thuốc”. Em xin chị, cho em 10.000 đồng…”. Thấy tôi có vẻ cự tuyệt, vội vàng di chuyển sang chỗ khác, đối tượng này mới thôi chèo kéo, chuyển sang xin người khác. Trong khuôn viên chợ lúc ấy, có khoảng 4 - 5 thanh niên đi xin như thế. Gặp ai, những đối tượng này đều công khai là mình đang sử dụng ma túy và đang cần tiền mua “thuốc”, đặc biệt những thanh niên này kèo nài khá lâu xin cho bằng được, khiến người dân cảm thấy sợ và cho để khỏi bị làm phiền. Tôi mon men hỏi thăm chị T., bán cá trong chợ, chị này cho biết: “Ban đầu, trong chợ chỉ có 1 – 2 đứa. Ai kêu gì làm đó rồi người ta thấy tội cho tiền. Gần đây, xuất hiện thêm vài đứa nữa, toàn thanh niên trẻ tuổi và tỏa ra đi xin khắp chợ. Hàng nào tụi nó cũng tới xin, không cho thì nó đá thúng, đụng nia, hoặc làm phiền khi có người tới mua đồ, khiến nhiều người sợ. Do đó, các tiểu thương trong chợ “bố thí” để an tâm buôn bán”. Không chỉ vậy, theo phản ánh của một số tiểu thương khác, tình trạng bị mất cắp xảy ra thường xuyên, nên nhiều người không dám để hàng ở chợ nữa, mất từ những vật dụng rất nhỏ như ghế nhựa, xô, chậu, thùng chứa hàng, dao, kéo…

Không riêng gì ở chợ, các hàng quán khắp thị trấn đều có hình bóng của những đối tượng này. Quản lý 1 nhà hàng ở thị trấn cho biết, nhiều lần không cho những đối tượng này vào quán xin tiền vì sợ làm phiền khách đến ăn uống. Nhưng các đối tượng này bất chấp, cự cãi với quản lý và xông vào xin cho bằng được. Nếu khách địa phương thì đã quen với những “gương mặt này”, nhưng khách du lịch thì rất bất an, lo sợ và sẽ có ấn tượng không tốt về nhà hàng nói riêng cũng như địa phương nói chung. Tuy nhiên, nếu nhà hàng làm căng quá, cũng sợ các đối tượng này “làm phiền”, gây khó trong quá trình kinh doanh. Dù người dân đã nhiều lần báo công an địa phương, nhưng vắng vài ngày thì các đối tượng này lại xuất hiện. 

Diễn biến phức tạp

Theo lãnh đạo UBND huyện Tuy Phong, dù công tác phòng chống và kiểm soát ma túy được chỉ đạo quyết liệt trên nhiều mặt có sự tham gia của các lực lượng công an, các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn. Công tác tuyên truyền về tác hại ma túy cũng rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên, tình hình ma túy và tội phạm liên quan đến ma túy vẫn không ngừng diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, điểm bất cập nhất hiện nay là cơ sở điều trị nghiện ma túy của tỉnh đang quá tải dẫn đến hàng trăm trường hợp dù đã có quyết định của tòa án nhưng chưa thi hành được… Một điều đáng lưu tâm nữa, là các chương trình cai nghiện chưa thật sự hiệu quả. Số người tái nghiện chiếm tỷ lệ rất cao.

Trước tình hình đó, Thường trực Huyện ủy đã có văn bản đề nghị UBND huyện triển khai thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Dân yêu cầu mặt trận, các đoàn thể huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của các mô hình phòng chống ma túy ở địa bàn dân cư. Phát huy vai trò củamặt trận, đoàn thể làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện trong diện quản lý theo Nghị định số 111/NĐ-CP. Ngoài ra, tiếp tục vận động người nghiện tham gia điều trị thay thế bằng thuốc methadone; có biện pháp giúp đỡ người nghiện sau cai, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ đạo lực lượng công an phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ của tòa án tống đạt quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 221/NĐ-CP. Thường trực Huyện ủy còn chỉ đạo Công an huyện tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, kịp thời đấu tranh triệt xóa các đường dây, nhóm đối tượng tàng trữ, mua bán trái phép các chất ma túy, các tụ điểm phức tạp về ma túy…

Theo quy định hiện nay, người nghiện phải cai nghiện tại cộng đồng, gia đình, nếu như tái phạm thì mới áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện. Tuy nhiên, quy trình thủ tục cho việc cai nghiện tại cộng đồng, gia đình rất rườm rà, mâu thuẫn, khiến nhiều địa phương “bó tay”. Ngoài ra, chưa có hướng dẫn trình tự, thủ tục tạm giữ người nghiện trong quá trình xác định tình trạng nghiện; chưa có hướng dẫn thủ tục cưỡng chế thi hành đối với người nghiện không tự giác chấp hành biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng… Vì lẽ đó, các “con nghiện” cứ nhởn nhơ ngoài xã hội, gây bất an cho bao người dân.

    
    Từ   đầu năm đến nay, toàn huyện Tuy Phong có 558 người nghiện có hồ sơ quản   lý đang có mặt tại địa phương, tăng 54 người so cuối năm 2020, 8/11 xã,   thị trấn có người nghiện ma túy, tăng 1 xã Vĩnh Hảo. Phan Rí Cửa là 1   trong 3 địa bàn trọng điểm loại 1. Người nghiện phát sinh 87 người,   trong đó phát hiện mới 32 người. Công an các xã, thị trấn đã lập 132 hồ   sơ đưa người nghiện vào diện quản lý theo Nghị định 111/NĐ-CP, tăng 47   hồ sơ, hồ sơ theo Nghị định số 221/NĐ-CP tăng 33 hồ sơ so với cùng kỳ   năm 2020. 143 người nghiện tham gia điều trị thay thế bằng methadone, 3   người đã hoàn thành chương trình điều trị…

M.Vân – N.Luân


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp nào cho đối tượng nghiện ma túy?