Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, hàng đầu…

19/09/2024, 08:37

BTO-Chiều 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2024 và các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian đến. Cùng tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải, đại diện Ban Kinh tế ngân sách - HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan…

Tại đây, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, giá trị giải ngân tính đến ngày 13/9/2024 là 1.528.639 triệu đồng, đạt 30,07% so kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm và đạt khoảng 33% so kế hoạch vốn sau khi hoàn trả (kế hoạch vốn còn lại là 4.631.078 triệu đồng). Đối với các dự án do các địa phương làm chủ đầu tư, đến nay mới có 3 huyện, thị xã giải ngân trên 50% kế hoạch vốn: La Gi (113%), Hàm Thuận Bắc (77%), Phú Quý (54%). Còn lại có 6 địa phương giải ngân trên 30% kế hoạch vốn và 1 trường hợp huyện Tuy Phong giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn...

img_6635.jpg
Cuộc họp vừa diễn ra vào chiều 18/9 tại phòng họp UBND tỉnh.

Về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân trên địa bàn Bình Thuận chưa đạt kết quả như mong muốn, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ yếu do công tác chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài như: Việc lập, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu các dự án còn chậm, dẫn đến chưa có khối lượng để giải ngân (hiện có hàng chục dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu). Bên cạnh đó cũng còn khá nhiều dự án đang triển khai thực hiện vướng đền bù, giải phóng mặt bằng mà trọng tâm là về xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất hoặc người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư...

Vì vậy để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt kết quả cao nhất (trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), thời gian tới các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và các địa phương, chủ đầu tư, đơn vị cần quyết liệt thực hiện nhiệm vụ liên quan. Riêng các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục đấu thầu xây lắp theo đúng quy định, chậm nhất đến hết tháng 9/2024 phải hoàn thành xong công tác đấu thầu đối với những dự án được bố trí vốn khởi công mới năm 2024 nhưng đến nay chưa lựa chọn được đơn vị thi công. Chủ động phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để có mặt bằng thi công đối với trường hợp dự án còn vướng đền bù, giải phóng mặt bằng...

img_6640.jpg
img_6644.jpg
img_6647.jpg
Đại diện các sở ngành, đơn vị, địa phương tham gia trao đổi, góp ý kiến.

Trong phần thảo luận do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải điều hành, đại diện một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp và sở ngành liên quan đã trao đổi, tham gia ý kiến làm rõ mặt hạn chế, tồn tại. Qua đó cũng kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp thúc đẩy tiến độ thực hiện trong những tháng cuối năm 2024, đồng thời cam kết nâng tỷ lệ giải ngân đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng ghi nhận nỗ lực của một số sở ngành, đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư trong thời gian qua. Bên cạnh đó cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp cần chủ động liên hệ học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm để tập trung triển khai đem lại hiệu quả cho công tác này.

img_6650.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng phát biểu kết luận tại cuộc họp.

Do thời gian từ nay đến cuối năm 2024 không còn nhiều, lãnh đạo tỉnh đề nghị các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, hàng đầu hiện nay. Từ đó thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao cũng như dồn sức quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ thực hiện, hướng tới hoàn thành mục tiêu giải ngân kế hoạch vốn năm nay đạt tỷ lệ từ 95% trở lên…

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho các sở ngành chức năng, địa phương liên quan tập trung rà soát và triển khai giải pháp đem lại hiệu quả, làm tốt hơn trong công tác thẩm định hồ sơ, xác định giá đất cụ thể, giải phóng mặt bằng… tạo điều kiện để dự án hoàn tất thủ tục, sớm đưa vào khởi công xây dựng.

Đ.QUỐC

Related articles
Để kinh tế tập thể là động lực quan trọng của nền kinh tế
Ở Bình Thuận, các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, Chính phủ luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để khu vực KTTT, hợp tác xã (HTX) phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện.

(0) Comments
Focus
Đầu tư xử lý nhiệt tại chỗ mở ra triển vọng với xuất khẩu nông sản
Mặc dù xử lý nhiệt hơi nước là một bước quan trọng trong chuỗi cung ứng trái cây xuất khẩu, nhưng việc phải vận chuyển nông sản từ Bình Thuận vào TP. Hồ Chí Minh - một quãng đường xa, khá bất tiện. Nhiều hứa hẹn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, mang lại lợi ích lâu dài cho các hợp tác xã xuất khẩu nông sản nếu đầu tư cơ sở xử lý nhiệt ngay tại Bình Thuận.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, hàng đầu…