Việc tái cấp VietGAP chưa ổn định
Mục đích của sản xuất nông sản nói chung và thanh long VietGAP nói riêng là tạo ra nguồn thực phẩm đạt chất lượng, an toàn tới người tiêu dùng, đảm bảo quy trình an toàn cho người sản xuất. Tại Bình Thuận, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, vào thời điểm cuối năm 2021, diện tích thanh long toàn tỉnh đạt 33.750 ha, với khoảng 12.400 ha được cấp chứng nhận VietGAP, chiếm 35% tổng diện tích thanh long toàn tỉnh. Sản lượng thanh long khoảng 700.000 tấn/năm. Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số hộ trồng thanh long đã phá bỏ, không tiếp tục duy trì sản xuất thanh long. Số liệu đến cuối năm 2022 của ngành nông nghiệp tỉnh cho thấy, diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh chỉ còn chưa tới 27.000 ha, giảm gần 5.300 ha, sản lượng đạt 600.500 tấn, giảm 80.400 tấn so năm 2021.
Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người trồng thanh long cân nhắc việc phá bỏ vườn. Đồng thời xây dựng kế hoạch chăm sóc với mức đầu tư phù hợp với tình hình thực tế. Song song, các sở, ngành, địa phương và đơn vị chuyên môn đã tập trung vận động, khuyến khích người trồng thanh long đẩy nhanh tiến độ thực hiện sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, nhiều xã, thị trấn đã tuyên truyền, vận động người dân hình thành tổ mới hoặc kết nạp thêm thành viên vào những tổ cũ đang chuẩn bị đánh giá tái cấp hoặc triển khai đánh giá mở rộng để phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương. Kết quả trong 3 năm (2020- 2022), toàn tỉnh có 9.063 ha/11.264 ha được chứng nhận VietGAP, đạt 80,46% kế hoạch.
Trong tháng 1/2023 đã diễn ra một hội nghị về chương trình sản xuất thanh long VietGAP trên địa bàn tỉnh, dưới sự chủ trì của ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Đây là cơ hội để các đại biểu là các địa phương, nông dân, doanh nghiệp liên quan thảo luận, làm rõ những tồn tại, khó khăn khiến diện tích thâm canh giảm sâu theo các năm, việc tái cấp VietGAP chưa ổn định theo chỉ tiêu kế hoạch… Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đặt câu hỏi thực tế: “Tại sao sản xuất thanh long VietGAP còn nhiều bất cập, nông dân, doanh nghiệp chưa thật mặn mà”. Có phải vì thanh long sản xuất VietGAP bán không được giá, hay tư duy, nhận thức của người dân đối với sản xuất an toàn, sản phẩm đạt an toàn thực phẩm và vấn đề truy xuất nguồn gốc chưa tới?
Giải “bài toán” về thanh long VietGAP
Tại hội nghị này, ông Trần Văn Lanh- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Nam nêu ý kiến: Tại Hàm Thuận Nam hiện có gần 14.000 ha thanh long. Trong 3 năm gần đây, huyện cấp mới được trên 1.360 ha/970 ha kế hoạch và hoàn thành chỉ tiêu tái cấp gần 6.000 ha. Tính đến nay, huyện có hơn 7.600 ha/5.600 hộ, với 235 tổ, nhóm, trang trại tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long VietGAP thiếu ổn định khiến người dân chưa thật sự quan tâm, nên gặp khó khăn trong việc thành lập tổ, nhóm sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP cũng như thực hiện tái cấp. Trong năm 2022, có 8 trang trại và 1 công ty với tổng diện tích 217 ha không thực hiện tái chứng nhận do phải tự bỏ kinh phí để phân tích mẫu và chi phí đánh giá… Một số ý kiến khác cho rằng, sản xuất thanh long theo VietGAP tốn nhiều công sức như tuân thủ quy định vệ sinh, ghi chép nhật ký canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm không chênh lệch với hàng thường nên nông dân không mặn mà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Với mục tiêu tăng tỷ trọng diện tích vùng trồng thanh long đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ, Bình Thuận phấn đấu năm 2023 sẽ có 9.500 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP, trong đó diện tích tái cấp là 3.220 ha. Để giải “bài toán” về thanh long VietGAP và đạt mục tiêu trong năm 2023, hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các địa phương, hiệp hội thanh long và các cơ sở, doanh nghiệp xuất khẩu tổ chức lại sản xuất. Song song, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và từng thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và quy trình sản xuất nông sản an toàn. Song song, phối hợp với các ngành liên quan củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của hợp tác xã; vận động người sản xuất tham gia vào hợp tác xã để sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, từ đó liên kết với doanh nghiệp để sản xuất - tiêu thụ bền vững.