Gặp hai nữ sinh đạt giải thưởng khoa học

30/01/2023, 05:59

Không chỉ gặp Nguyễn Phương Uyên mà còn Trần Thị Xuân Quỳnh, cả hai vừa đạt được giải nhất Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2022 của Bộ Giáo dục - Đào tạo tại nhà của Uyên ở phường Xuân An, thành phố Phan Thiết.

20230115_105243.jpg
Phóng viên (trái) trao đổi với Nguyễn Phương Uyên và Trần Thị Xuân Quỳnh 

Đôi bạn say mê nghiên cứu

Uyên và Quỳnh là đôi bạn quen nhau từ khi bắt đầu bước chân vào giảng đường đại học và cùng tham gia nghiên cứu khoa học. Uyên, một cựu học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Phan Thiết, là con gái đầu của một nữ giáo viên nghèo ở khu phố 2, phường Xuân An, TP. Phan Thiết. Còn Xuân Quỳnh lớn lên trong gia đình có truyền thống ngành y ở thành phố mang tên Bác. Em từng là nữ sinh chuyên văn Trường THPT Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh, nhưng lại rẽ ngang đi sư phạm vật lý trong một quyết định chóng vánh vào học kỳ cuối trước thềm thi tốt nghiệp THPT cách đây 3 năm.

Sau khi giành được Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2022 và vượt qua các kỳ thi khó của chương trình học chính khóa, Quỳnh về nhà Uyên chơi cũng là để viếng thăm thành phố biển Phan Thiết xinh đẹp. Cả hai đã có những ngày thoải mái sau 1 năm nghiên cứu, học tập mệt mỏi. Nhớ lại lúc vật lộn với tư liệu, bài vở nghiên cứu đề tài khoa học và học tập tại trường Uyên và Quỳnh chia sẻ: Vất vả lắm, có khi thức cả đêm để học và nghiên cứu. Chưa kể tham gia hoạt động Đoàn, Hội và còn phải đi dạy thêm kiếm tiền, nhưng bù lại chúng em, học được cách biết sắp xếp thời gian…, Uyên nói.

z4041116543048_c45d3890dbc20314b699a4286e505328.jpg
Hai bạn nhận giải thưởng.

Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2022 do Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp tổ chức đã thu hút 94 trường đại học trên toàn quốc tham gia. Trong đó có Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh với đề tài Xây dựng công cụ đánh giá năng lực STEM của học sinh THPT đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại TP. Hồ Chí Minh của hai nữ sinh Nguyễn Phương Uyên và Trần Thị Xuân Quỳnh.

Tiền đề giúp học sinh phát huy năng lực

STEM là 4 chữ cái đầu của các từ Kỹ nghệ (Engineering), Toán học (Mathematics), Khoa học (Science) và Công nghệ (Technology). Thay vì dạy bốn môn học này một cách riêng lẻ, rời rạc, phương pháp giáo dục STEM liên kết các môn học thành một mô hình học tập giúp học sinh vừa được học lý thuyết, vừa biết cách vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Nó đã được triển khai thành công ở các nước phát triển, nhưng ở Việt Nam cũng như một số nước ở châu Á chưa thành công cho lắm vì liên quan nhiều yếu tố. Tuy vậy, nó được coi là xu hướng tất yếu của hệ thống giáo dục hiện đại nhằm phát triển nguồn lao động toàn cầu trong tương lai.

z4041116501011_7190e493471e0ffec7a46390f637f1e9.jpg
Đôi bạn chụp hình kỷ niệm sau khi nhận giải.

Chính vì vậy, hai nữ sinh đã chọn đề tài trên, dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga (Khoa Vật lý Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh). Trải qua 3 năm vừa học chính khóa vừa nghiên cứu đề tài, tiến hành thử nghiệm ở Trường THCS – THPT Hoa Sen và khảo sát qua học sinh ở các trường THPT tại TP. Hồ Chí Minh, cuối cùng cả hai cũng nhận được phần thưởng xứng đáng. "Kết quả cho thấy, giáo viên có thể xác định những điểm nổi bật và hạn chế trong năng lực của học sinh. Từ đó có định hướng hỗ trợ các em trong việc học tập và bồi dưỡng năng lực, thúc đẩy động cơ học tập, hình thành thói quen tốt, nuôi dưỡng đam mê, nhận ra giá trị của riêng mình", Phương Uyên chia sẻ.

"Giáo dục STEM không chỉ trang bị cho học sinh những năng lực đặc thù liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, mà còn trang bị cho học sinh những năng lực chung cần thiết của công dân toàn cầu thế kỷ 21. Điều này giúp học sinh có thể vận dụng kiến thức, kỹ năng để thực hành tạo ra được những sản phẩm giải quyết vấn đề thực tiễn, phục vụ cho đời sống hằng ngày. Vì vậy, chúng em xây dựng và chuẩn hóa công cụ đánh giá năng lực STEM của học sinh nhằm góp phần hỗ trợ quá trình triển khai hiệu quả giáo dục STEM, giải quyết khó khăn trong việc lựa chọn công cụ đánh giá năng lực sao cho tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn đảm bảo đánh giá được cả năng lực chung và năng lực đặc thù. Tuy nhiên, đề tài của chúng em mới chỉ đang là tiền đề mở đầu cho những nghiên cứu tiếp theo. Để có thể áp dụng triển khai tại các trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thì còn cần nghiên cứu bổ sung thêm…”, Xuân Quỳnh nói thêm.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga chia sẻ với báo chí, 2 sinh viên Xuân Quỳnh, Phương Uyên đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về giáo dục STEM từ khi còn là sinh viên năm nhất. Vì vậy, giải thưởng này là sự khích lệ vô cùng to lớn dành cho các em, ghi nhận xứng đáng sự nỗ lực và say mê nghiên cứu khoa học liên tục trong 3 năm liền cho hướng đi và đề tài tâm huyết của mình.

NINH CHINH

Related articles
Giáo dục học sinh ý nghĩa tết cổ truyền Việt Nam
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm vui xuân cho học sinh. Đây không chỉ là hoạt động ngoại khóa bổ ích mà còn giúp các em hiểu và trân trọng về những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gặp hai nữ sinh đạt giải thưởng khoa học