Nhớ thời bao cấp, đời sống công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang hưởng lương nhà nước rất bấp bênh, thiếu thốn. Trước tình hình lạm phát phi mã, Nhà nước đã có nhiều đợt tăng lương tuy nhiên không kiềm chế được giá cả thị trường. Do vậy, thời đó người ta ưa ta thán khi “trà dư, tửu hậu” bằng câu đối “Nhà nước bù giá vào lương; Tư thương bù lương vào giá”.
Thời kỳ sau đổi mới, 20 năm qua Nhà nước đã có 14 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, theo khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, nhờ Chính phủ có những quyết sách kịp thời, nên chỉ có hai lần tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát, đó là năm 2008 khi tăng lương cơ sở 20%, lạm phát tăng từ 6,3% lên 23%; năm 2011 tăng lương cơ sở 13,7%, lạm phát tăng từ 9,2% lên 16,8%.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế phân tích thực tế lạm phát tăng không chỉ do lương cơ sở mà còn do lạm phát thế giới, giá dầu thế giới tăng, tỷ giá tăng… Do đó trong thời gian tới, các chuyên gia đề nghị Nhà nước cần quan tâm giải quyết những vấn đề sau:
Chính sách tiền tệ cần linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4%. Phải điều chỉnh giá các hàng hóa dịch vụ Nhà nước quản lý như học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh… phải giãn ra, không cùng lúc và phải cách xa ngày 1/7. Phải chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng và thúc đẩy sản xuất.
Và quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, “té nước theo mưa” và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.
Lạm phát, giá cả gia tăng không chỉ ảnh hưởng đến người ăn lương nhà nước mà nó còn ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của nhân dân. Do đó, Nhà nước mà cụ thể là Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương tập trung ổn định giá cả thị trường, chống lạm phát, nhất là những mặt hàng tiêu dùng, không để “té nước theo mưa" ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Đối với Bình Thuận cũng không nằm ngoài dự báo giá cả thị trường gia tăng theo lạm phát tin đồn, “té nước theo mưa”. Do đó, đề nghị các sở, ngành liên quan, nhất là Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường… giám sát, đảm bảo cung ứng nguồn hàng hóa, tránh thiếu hụt giả tạo để nâng giá, kiểm tra quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý việc tự ý nâng giá “té nước theo mưa”.