Để đạt mục tiêu mà nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đặt ra, Bình Thuận cần phát triển thêm giao thông xanh.
Thêm giao thông xanh
Bên cạnh những tiềm năng thiên nhiên sẵn có, Bình Thuận đã và đang khai mở hàng loạt “cánh cửa” giao thông tạo đà cho kinh tế và du lịch của tỉnh cất cánh. Đầu tiên phải kể đến tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km vừa mới hoàn thành đi vào hoạt động. Tuyến đường có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận và các vùng lân cận, giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết. Cao tốc cũng sẽ kết nối với sân bay Long Thành, giúp cho du khách từ sân bay quốc tế về Phan Thiết thuận tiện và nhanh chóng hơn, tạo nên trục giao thông liền mạch giữa TP.HCM - Long Thành - Phan Thiết.
Tiếp đến, sân bay Phan Thiết, nơi đã hoàn tất thủ tục đầu tư và đang xúc tiến hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tiến tới giai đoạn chuẩn bị khởi công. Khi hoàn thành, sân bay là động lực phát triển kinh tế - xã hội không chỉ Bình Thuận mà còn cả vùng duyên hải Nam Trung bộ. Riêng với thị trường du lịch, sân bay Phan Thiết sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ các tỉnh miền Bắc nhờ đường bay thẳng.
Tất cả tạo nên một cú hích mang một lượng lớn khách đến Bình Thuận. Trong đó, không ít người có tâm hồn sống xanh, thích hòa hợp với thiên nhiên, tinh thần trách nhiệm môi trường nhằm bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu phát triển bền vững cao. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu du khách, ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý, đảm bảo môi trường du lịch xanh – sạch – đẹp. Với thông điệp không xả rác thải ven các tuyến đường, xả nước thải chưa qua xử lý; có hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các điểm tham quan sạch sẽ; dịch vụ cho thuê xe mô tô bảo đảm… tạo cho du khách cảm giác hài lòng. Bên cạnh đó, phát triển thêm giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên như một số tỉnh, thành Hà Nội, Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Thanh Hóa... đang làm.
Du khách ủng hộ
Nhiều du khách khi đến các tỉnh, thành có tour du lịch bằng xe điện rất hài lòng, ủng hộ vì đi xe điện vừa được hưởng làn gió mát tự nhiên, vừa có thể thoải mái ngắm cảnh phố phường; khám phá vẻ đẹp, truyền thống văn hóa.
Trong chuyến đi Quảng Bình, nơi có động Phong Nha nổi tiếng mới đây chúng tôi cảm nhận thấy điều đó. Chiếc xe điện hoạt động giống như trong Khu phức hợp Sea Links City của Tập đoàn Rạng Đông ở phường Phú Hài – Hàm Tiến, TP. Phan Thiết, chở chúng tôi đi thăm thành phố Đồng Hới. Từ cầu Nhật Lệ - Tượng đài mẹ Suốt đến Quảng Bình Quan - Quảng trường biển; Nhà thờ Tam Tòa – Bãi tắm Nhật Lệ; Đồi cát Quang Phú; Làng chài - đặc sản miền Trung. “Giá mỗi tour 350.000 đồng/chuyến, du khách đến đây thích đi xe điện hơn taxi vì xe điện thoáng mát ngắm cảnh điểm đến thoải mái. Toàn thành phố có khoảng 80 chiếc xe điện hoạt động trong sự quản lý của cơ quan chức năng tỉnh…”, ông Văn Sơn, tài xế xe điện kiêm hướng dẫn viên du lịch chia sẻ.
Xe chạy chậm trong tiếng động cơ êm ru, không có cửa chắn tạo nên cảm giác thoáng mát, thoải mái ngắm cảnh xung quanh. Giọng thuyết minh xứ Quảng truyền cảm của ông Sơn giúp chúng tôi tường tận mỗi điểm đến. Thiết nghĩ, các tỉnh, thành chưa có tour du lịch bằng xe điện, nếu thấy phù hợp với điều kiện thực tế của mình nên tìm hiểu áp dụng. Ở Bình Thuận ít mưa thừa nắng gió, có Khu du lịch quốc gia Mũi Né, nơi có thể biến nhiều khu vực thành những con phố đi bộ. Đặc biệt là khu vực Hàm Tiến – Mũi Né có tuyến đường trọng điểm du lịch Nguyễn Đình Chiểu vốn đang quá tải phương tiện giao thông nguy cơ mất an toàn giao thông cho du khách… Nên hướng đến sử dụng xe điện bằng cách khuyến khích các cơ sở du lịch tham gia. Muốn vậy phải hình thành bến xe khách hoặc “công viên xe” ở bên ngoài khu vực. Ví dụ hình thành bến xe khách như một công viên cây xanh kết hợp bãi đậu xe hiện đại ở khu vực núi Cố, phường Phú Hài. Khi các loại phương tiện chở khách du lịch từ các tỉnh, thành về đây, các cơ sở du lịch có trách nhiệm đến đón khách về nơi ở của mình bằng xe điện... Thêm vào đó là tour du lịch bằng xe điện ngắm cảnh trong nội thành của Phan Thiết.
Nếu có thêm những tour du lịch bằng xe điện - phương tiện giao thông xanh hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường, sẽ góp phần cho du lịch Bình Thuận đa dạng sản phẩm du lịch. Hấp dẫn du khách, khẳng định thương hiệu điểm đến “an toàn - thân thiện”, sớm đạt mục tiêu nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đặt ra.