Du Lịch Tuy Phong: “Đặc sản” ếch rừng

22/09/2017, 09:11

 Phan Dũng gọi

BT- “Phan Dũng mưa rồi anh ơi, lên đây đi!”. Một buổi tối, tôi nghe Mang Xích, Phó Chủ tịch UBND xã Phan Dũng (Tuy Phong) gọi. Tôi không lạ gì Phan Dũng, một xã vùng cao của Tuy Phong có đời sống khá phát triển, người dân biết thâm canh cây lúa nước, rất thành thục trong việc chăm sóc các giống cây trồng, nhưng rõ là nghe Mang Xích gọi, tôi trở nên khó ngủ. Chuyện khó ngủ của tôi là do trong lần gặp mới đây ở Phan Thiết, Mang Xích kể: “Bây giờ ở Phan Dũng không còn nhiều thú rừng để săn, mà có cũng không ai cho mình săn… nhưng có một thứ, người vùng xuôi như anh  ít được ăn, nhưng vô cùng ngon. Đó là ếch rừng!”. Mang Xích nói rồi nhìn tôi mỉm cười, như ngầm xui tôi hãy lên Phan Dũng nhiều lần. Lần đó tôi nói: Trước mắt còn nhiều chuyện chưa đi được nhưng khi nào Phan Dũng mưa nhiều, Mang Xích hãy gọi. Và, hôm nay Mang Xích gọi.

Lên miền rừng

Tôi rời Phan Thiết từ buổi chiều để đến thị trấn Liên Hương trước 7 giờ tối, rồi từ đó lái xe đi Phan Dũng. Có một chút hơi phiêu khi lái xe qua đoạn đèo vắng, mà từ đó có thể nhìn xuống hồ Sông Lòng Sông. Mang Xích đón tôi tại nhà riêng. Ngồi một lúc Mang Xích nói: “Đi với em sang nhà Mang Tâm ngay bây giờ không nó đi mất. Nó đi có khi hai ngày mới về”. Mang Tâm theo như Xích giới thiệu là một trong những  người chuyên nghề “săn” ếch rừng tại Phan Dũng. Mang Tâm có rất nhiều mối hàng. Nhiều khi đến nhà chờ Mang Tâm đem ếch về thì không gặp vì anh chàng này được ếch rồi thì thường gọi điện và các đầu mối hẹn Tâm ở một điểm nào đó trên đường để nhận ếch. Vì vậy, tốt nhất là đến nhà hoặc đi theo cùng.

Khi tôi đến nhà thì Mang Tâm chuẩn bị ra khỏi nhà với chiếc đèn pin đội đầu và chiếc vợt sắt cầm trên tay. Mang Xích tranh thủ nói nhanh ý định muốn Mang Tâm cho tôi theo. Người thanh niên ngoài 30 tuổi la lên: “Không được đâu Xích ơi, anh này sẽ té chết. Đá trơn lắm. Nước suối nó lên tới bụng đó!”. Trong lúc Mang Tâm nói, tôi nhìn kỹ  người Tâm. Quả thật đôi chân Tâm có nhiều vết sẹo (do té ngã trên đường, hoặc do đá suối cắt). Tâm cũng không mặc quần dày mà mặc quần cộc. Có lẽ để giữ ấm, trên người Tâm mặc chiếc áo hơi dày. Mang Tâm tiếp: Phải đi theo các con suối, các cái khe. Ếch rừng, nó thường ra ăn ở đó. Chỗ nào có nó kêu ộp ộp thì mình tới. Đi cả đêm, không ngủ, lại phải  dùng vợt bắt ếch nữa, mệt lắm”. Dừng một lúc, Mang Tâm tiếp, giọng trịnh trọng: “Cán bộ muốn biết con ếch rừng như thế nào thì chờ đi. Mai Tâm về cho coi”. Biết không thể nằn nì được, tôi gật đầu. Ấy là chàng trai trẻ sửa lại chiếc đèn đội đầu, mang chiếc bị da rắn có hơi nằng nặng lên vai (tôi đoán có nhiều thứ cần thiết trong đó) rồi bước ra khỏi nhà, cũng như không quên vẫy tay như một lời hẹn.

Mang Tâm đi rồi, tôi lại có dịp trò chuyện với Mang Xích. Đã nhiều năm nay đồng bào Rắc Lây ở Phan Dũng sản xuất được 3 vụ lúa. Vụ đầu tiên là hè thu đã gặt rồi. Bây giờ là vụ mùa. Vụ mùa có tổng diện tích 95 ha, tăng hơn vụ trước khoảng 20 ha, là do có một số cặp vợ chồng mới tách riêng, được xã cấp đất sản xuất. Mang Xích cũng nói, Phan Dũng rất coi trọng sản xuất vì rất gần hồ Phan Dũng, mùa nắng gay gắt vẫn không đến nỗi thiếu nước. Phan Dũng còn chú trọng nuôi bò và làm thêm nhiều ngành nghề phụ khác như: hợp đồng giữ rừng, lấy mật ong (nếu vào tháng 3), khai thác chai dầu rái… Có một số người làm những nghề cần sự tinh mắt, khéo tay, giỏi chịu cực như nghề bắt ếch rừng của Mang Tâm. Về con ếch rừng, Mang Xích nói, đó là loại ếch da màu đen rêu (vì sống gần đá), chân dài, nhưng thịt rất chắc và ngọt. Ngọt một cách kỳ lạ. Có người còn ví thịt ếch rừng như thịt gà rừng vì vừa dai vừa ngọt. Tôi nói: “Sáng mai, tụi mình mua Mang Tâm một ít con, ăn thử nghe”. Mang Xích trầm tư: “Chưa chắc còn vì Mang Tâm ra khỏi rừng, lên khỏi suối, dân họ đón mua hết. Tôi nằn nì: “Cứ thử xem, Xích”.

Bán ếch 

Sáng hôm sau, Mang Tâm làm tôi bất ngờ khi mang cả cái túi đựng ếch rừng đi thẳng về nhà. Mang Tâm nói muốn cho tôi xem, thay vì gọi người bán ngay.  Chiếc bao da rắn đựng ếch được mở he hé, đủ để mắt tôi nhìn vào, trông thấy những con ếch đen, mắt lộ và sáng quắc, con này nằm chồng lên con kia, như muốn chòi đạp để thoát khỏi chiếc bao. Ếch rừng cũng khác với ếch òn mà người dân huyện Hàm Thuận Bắc bắt lúc bắt đầu mưa sa vì thân toàn màu đen, trong khi da ếch òn có sọc. Mang Tâm nói: “Ếch rừng nấu nhiều món lắm đó. Người Rắc Lây của mình trước đây thường làm sạch ếch rồi nướng trong ống lồ ô, hoặc nướng than. Ếch rừng xào lăn cũng ngon hơn ếch ruộng. Da ếch rừng băm nhuyễn, trộn với thịt heo làm chả cũng rất ngon” - Mang Tâm nói rồi cười. Và như Mang Tâm nói trước đó, những  người chuyên về nhà hàng khó mà bỏ qua ếch rừng. Không biết bằng cách nào, hai người đàn ông  dáng ngoài bốn mươi đi mô tô, biết Mang Tâm đã về, nên chạy xe tới nhà. Mỗi người cầm một chiếc bao trên tay.  Mang Tâm nói với họ: “Hôm nay ít hàng lắm. Ở Bắc Bình họ hỏi mua 70.000 đồng/ ký.” Một người nói ngay: “50.000 đồng thôi Tâm ơi vì tụi tôi chạy xe từ Liên Hương lên đây”. Dùng dằng rồi Mang Tâm cũng bán đi số ếch. Tâm chỉ để lại 5 con cho khách là tôi. Chiều hôm đó lần đầu tiên tôi say khướt vì thịt ếch rừng xào lăn quá thơm và ngọt.

 Hoàng Hạc


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du Lịch Tuy Phong: “Đặc sản” ếch rừng