Theo đánh giá của Phòng Quản lý du lịch (Sở VHTT&DL): 2 tháng đầu năm 2022, du lịch trong tỉnh có tín hiệu lạc quan cho việc dần phục hồi, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong hoạt động du lịch được thực hiện tốt. Hiện nay, vào các ngày cuối tuần, công suất phòng khu vực Hàm Tiến-Mũi Né đạt khoảng 70-85% (các cơ sở 3-5 sao đạt công suất 90-100% vào cuối tuần), khu vực Hàm Thuận Nam, La Gi và các địa phương khác trong tỉnh đạt công suất khoảng 40 - 55%.
“Sôi động” trong an toàn
Đến nay, Bình Thuận đã có hơn 120 khách sạn trên 20 phòng đủ điều kiện đón khách theo tiêu chí an toàn phòng, chống dịch, đa số là các cơ sở lưu trú từ 1 - 5 sao và tập trung ở thành phố Phan Thiết. Khách du lịch nội địa đến Bình Thuận chủ yếu là nhóm bạn bè, gia đình; khách du lịch dã ngoại tập trung chủ yếu ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, La Gi. Các doanh nghiệp du lịch đã chủ động xây dựng các chương trình kích cầu du lịch, triển khai nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chú trọng chất lượng dịch vụ tốt nhằm thu hút du khách. Các cơ sở lưu trú du lịch đều thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Một đơn vị lữ hành có tiếng tại Phan Thiết, nhìn nhận: Hiện các đơn vị lữ hành chuyên nghiệp cho rằng đây cũng là thời điểm khó khăn. Cơ hội cũng là thách thức, vì dịch bệnh đang rất phức tạp nếu như không chặt chẽ. Thậm chí các địa phương khác đã có những bước đón đầu khi đường cao tốc hình thành sẽ là thuận lợi lớn cho du lịch Bình Thuận phát triển mạnh hơn.
Phải nói là sau thời điểm bị “cấm cung” vì dịch bệnh, các khu du lịch hiện nay hầu hết đều có những chiến lược để “hút khách”. Đây là sự trở lại, với mong muốn đạt được những giá trị cốt lõi cho du lịch. Ngành “công nghiệp không khói” có thể bứt phá ngay khi những dự án lớn như đường cao tốc, sân bay xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng… Trao đổi về giai đoạn mới, đại diện lãnh đạo Sở VHTT&DL đánh giá: Bình Thuận đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở cửa đón khách cả nội địa và quốc tế theo quan điểm: Trước hết phải là một điểm đến an toàn (người dân an toàn, người lao động an toàn, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch an toàn, điểm tham quan an toàn) để đảm bảo du khách phải được bảo vệ, bảo đảm an toàn trước dịch bệnh.
Bằng cách này, ngành du lịch đã ban hành các hướng dẫn thích ứng an toàn, các cơ sở lưu trú muốn mở cửa hoạt động phải tự xây dựng phương án, phải trang bị các điều kiện an toàn trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quản lý cơ sở lưu trú. Các cấp quản lý tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng, đủ các điều kiện để đón khách an toàn.
Phải chuẩn bị gì?
Lãnh đạo Sở VHTT&DL chia sẻ thêm, để cho sự trở lại đạt hiệu quả phải đòi hỏi cần chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của ngành. Trong 2 năm qua, các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ du lịch đóng cửa không phục vụ đón khách, vì thế cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng. Còn nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch – một lực lượng nòng cốt phần lớn bị phân tán và chuyển sang ngành nghề khác.
Do vậy, ngành đã chủ động làm đầu mối, phối hợp với ngành y tế để tiêm phủ vắc xin toàn bộ người lao động trong các cơ sở lưu trú du lịch để bảo vệ an toàn cho người lao động, xây dựng cơ sở an toàn; mở các lớp đào tạo trực tuyến cho người lao động (bằng sự hỗ trợ hoàn toàn từ ngân sách) các khóa đào tạo kỹ năng cốt lõi như marketing, cách thức bán hàng, tiếp cận khách hàng, kỹ năng xây dựng các sản phẩm để cung ứng cho du khách… để doanh nghiệp vừa khôi phục cơ sở vừa song song tìm nguồn khách, tiếp cận khách để bán sản phẩm. Song song đó, nỗ lực tham mưu UBND tỉnh giải quyết nhanh nhất việc hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68 đối với hướng dẫn viên du lịch theo đúng quy định.
Trên thực tế, UBND tỉnh cũng rất quan tâm đến ngành du lịch, và đang nỗ lực hoàn thiện, bảo dưỡng các cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm mới nhằm phục vụ khách du lịch. Tỉnh đang nỗ lực hết sức mình để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tăng tính kết nối và tiếp cận điểm đến nhanh hơn cho du khách. Năm 2022 sẽ tập trung đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở quan tâm khai thác tiềm năng hiện có: rừng, hồ, thác, du lịch nông nghiệp… Tổ chức các cuộc thi lướt ván diều, lướt ván buồm, các hoạt động thám hiểm sinh thái… để thu hút du khách. Đẩy mạnh đăng cai tổ chức các giải thể thao cấp quốc gia, hướng tới các giải quốc tế để khai thác thị trường mới, loại hình du khách mới.
Gần đây, nhiều dự án du lịch có quy mô lớn đang hoạt động kinh doanh như: Centara Mirage Resort Mui Ne (5 sao), Sân gold PGA Novaworld. Bên cạnh đó, các dự án, tổ hợp có quy mô lớn đang xây dựng, sắp hoàn thành như: Apec Mandala Wyndham Mũi Né, Novaworld Phan Thiết... Song song đó, tỉnh cũng đang tập trung xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, đường trục ven biển kết nối các điểm du lịch ven biển với các đô thị, tạo sự thuận lợi cho việc phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế Bình Thuận nói chung (đường ĐT.719, ĐT.719B, Hàm Kiệm - Tiến Thành, Hòn Lan - Tân Hải). Đặc biệt, hạ tầng giao thông cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu để rút ngắn thời gian đến Bình Thuận, việc xây dựng đường cao tốc, sân bay kết nối các trung tâm du lịch lớn của quốc gia và quốc tế sẽ góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Bình Thuận trong nước và trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Đón khách quốc tế, khi nào?
Thông tin từ Sở VHTT&DL cho biết, dự kiến trong tháng 4/2022, sẽ công bố và đưa vào hoạt động Cổng Thông tin du lịch thông minh Bình Thuận và Sàn giao dịch du lịch trực tuyến Bình Thuận để vừa thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, vừa tạo nên phương tiện để kết nối hiệu quả hơn giữa doanh nghiệp du lịch (cơ sở lưu trú, lữ hành, dịch vụ, điểm đến) và du khách, đồng thời là kênh xúc tiến quảng bá trực tuyến hiệu quả ngành du lịch của tỉnh.
Đẩy mạnh, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành du lịch; tập trung quảng bá, xúc tiến để đưa thương hiệu tỉnh Bình Thuận thành điểm đến du lịch mang tầm quốc tế. Khuyến khích các doanh nghiệp đưa sản phẩm du lịch lên các nền tảng công nghệ số, tăng cường tương tác với du khách, kịp thời nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Xây dựng các chương trình du lịch trực tuyến, nhất là du lịch tham quan tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán… giới thiệu cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn của tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, ngành du lịch cũng có kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế. Trên tinh thần mở cửa một cách an toàn, khoa học và hiệu quả, bằng sự chủ động, ngành đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VHTT&DL để đề nghị đưa vào nhóm các tỉnh thí điểm trong giai đoạn 2 của phương án đón khách quốc tế từ tháng 1/2022. Gần đây nhất, Bộ VHTT&DL đã có văn bản hướng dẫn tạm thời về đón khách quốc tế. Theo quyết định giao nhiệm vụ của UBND tỉnh, sở đã chủ động có ngay tờ trình tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế. Bình Thuận đã sẵn sàng đón khách trong điều kiện an toàn vì hiện giờ đã có khoảng gần 150 cơ sở lưu trú du lịch đã được phê duyệt kế hoạch đón khách an toàn nên chỉ cần đăng ký đảm bảo đủ điều kiện và sẵn sàng đón khách quốc tế (do việc đón và phục vụ khách quốc tế theo hướng dẫn của Bộ VHTT&DL có những quy định chặt chẽ), được sở tiến hành kiểm tra lại. Sở sẽ thực hiện công bố trên truyền thông, đến các công ty lữ hành quốc tế… danh sách các cơ sở đảm bảo đủ điều kiện...
“Việc mở cửa đón khách đã được chuẩn bị rất chu đáo, có tính dài hơi. Mỗi việc triển khai là khởi đầu cho mục tiêu kế tiếp. Thực tế, du lịch Bình Thuận đã thực sự mở cửa từ 24/10/2021, nhân dịp kỷ niệm 26 năm Ngày Du lịch Bình Thuận và đối với việc mở của thị trường khách quốc tế là bước tiếp theo của giai đoạn bình thường mới”.