Đây là nỗi niềm trăn trở khôn nguôi trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh mà vô cùng vĩ đại của Người. Và phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước tiến hành từ Trung ương đến địa phương mới đây do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì đã quyết định triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát; Đó chính là sự cụ thể hóa lời Bác kính yêu dặn dò trước lúc đi xa.
1. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của quần chúng nhân dân là rất quan trọng. Trong Di chúc, Người viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Với Người, nhân dân chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam khi được tập hợp, đoàn kết thành một khối vững chắc. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, vấn đề nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân có điều kiện để hiện thực hóa. Ngày 3/9/1945, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng, Bác Hồ đã xác định 6 nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là: Giải quyết nạn đói; xóa nạn mù chữ; thực hiện tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu; giáo dục lại Nhân dân bằng cách thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính”, xóa bỏ những tệ nạn xấu xa thời thực dân phong kiến để lại; bỏ những thứ thuế vô nhân đạo, cấm hút thuốc phiện; thực hiện tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. Đó thực chất chính là những biện pháp cấp bách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là những người lao động. Một tháng sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức dùng cụm từ “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân” khi nhắc nhở các cán bộ trong chính quyền cách mạng: “Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn Đảng, Nhà nước về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân. Đặc biệt, Người còn đề cập đến một khối cư dân đông đảo, một đội quân cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức làm nên cốt lõi và chủ lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là nông dân. Người viết: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”…
2. Tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước tiến hành từ Trung ương đến địa phương mới đây do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Thủ tướng đã chỉ rõ chương trình được triển khai hiệu quả nhờ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, càng trong khó khăn, thử thách càng phát huy mạnh mẽ; chủ trương đúng đắn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo; sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; sự chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo của các bộ, cơ quan, địa phương. Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã nghiêm túc, chủ động thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu”; “Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Cho đến nay trên toàn quốc còn khoảng 240.000 căn nhà tạm, nhà dột nát. Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, bình quân mỗi ngày cả nước phải hoàn thành khoảng 650 căn. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, khối lượng công việc còn lớn, một phần do chương trình lớn, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương; phải triển khai trên quy mô rộng trong thời gian ngắn, nhiều đối tượng hỗ trợ ở các địa bàn khó khăn. Nhấn mạnh việc xóa nhà tạm, nhà dột nát phải có tinh thần, trách nhiệm cao, bằng cả trái tim, khối óc chứ không phải chỉ làm qua loa, Thủ tướng chỉ rõ một số bài học kinh nghiệm, trong đó các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; huy động “có công giúp công, ai có của giúp của, ai có gì giúp nấy, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít” để xóa nhà tạm, dột nát cho người khó khăn về nhà ở.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng đã được thể hiện rõ trong các Kết luận, Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phải đa dạng hóa nguồn lực thực hiện Chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực truyền cảm hứng để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ trong triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.
Những lời Bác năm xưa đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm đặc biệt. Chính phủ vừa triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân là minh chứng cho sự quyết tâm thực hiện lời Bác dặn.
“Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; đồng thời là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, việc thực hiện thành công Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng nhằm hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng; thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta: Mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân” – Thủ tướng Phạm Minh Chính.