Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ: Ước tính thiệt hại 1% GDP

16/02/2023, 16:13

Trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây thiệt hại kinh tế tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội năm 2023 của nước này. Đây là nhận định được Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 16/2.

Trận động đất được đánh giá là tồi tệ nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ trong gần một thế kỷ qua đã phá hủy hàng chục nghìn tòa nhà, tạo ra cảnh tượng hoang tàn, đổ nát chưa từng thấy. Trong khi các hoạt động cứu hộ đã bị đình chỉ ở một số địa điểm, các máy xúc được triển khai dọn dẹp những đống đổ nát, thì hy vọng tìm kiếm thêm những người còn sống sót đang trở thành nỗi tuyệt vọng đối với nhiều người.

dong-dat-tai-tho-nhi-ky-va-syria-day-nhanh-cong-tac-khac-phuc-hau-qua-sau-tham-hoa.jpg

Cảnh tượng đổ nát trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Turabi, 43 tuổi, người sống sót sau trận động đất ở Elbistan, thẫn thờ ôm chú mèo con hai tháng tuổi của mình, vừa được cứu khỏi đống đổ nát, rơi nước mắt trước sự ra đi của 15 người thân.

“May mắn thời điểm xảy ra động đất, con mèo của tôi không có ở đây. Nhờ các nhân viên cảnh sát, tôi đã tìm thấy nó. Quá nhiều người chết trong thảm họa này. Ít nhất 15 người thân của tôi vừa qua đời”.

Với không ít người là nạn nhân của thảm họa động đất chia sẻ rằng họ như vừa trải qua cơn ác mộng: "Dù tốt hay xấu, tất cả những gì chúng tôi có đều ở đây. Ngay cả các con tôi bây giờ cũng phải khóc. Chúng nói 'mẹ ơi, mọi thứ đã biến mất, tuổi thơ của chúng con không còn nữa, mọi ký ức của chúng ta đều biến mất”.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ước tính thiệt hại ban đầu do trận động đất đã lên tới 50 tỷ USD, song các chuyên gia nước này lại cho rằng, hiện rất khó để xác định rõ thiệt hại vật chất do trận động đất gây ra.

Ảnh hưởng của trận động đất lan rộng trên một khu vực 300km, vì vậy công cuộc tái thiết có thể tiêu tốn hàng chục hoặc hàng trăm tỷ USD. Khó khăn thêm chồng chất khi thảm họa xảy ra vào đúng thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định sẽ tăng tốc độ loại bỏ các đống đổ nát, cam kết xây dựng lại nhà mới cho tất cả những người sống sót sau trận động đất trong vòng một năm.

Còn tại Syria - đất nước trải qua nhiều năm nội chiến và hứng chịu các lệnh cấm vận, các nỗ lực tái thiết có vẻ còn phức tạp hơn nhiều. Bà Caroline Holt, giám đốc phụ trách thảm họa, khí hậu và khủng hoảng của Phong trào Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) cảnh báo, Syria đang đứng trước một cơn bão nhân đạo. Nếu như tại Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn công việc phục hồi sẽ được thực hiện trong vòng hai đến ba năm thì ở Syria nỗ lực phục hồi có thể mất từ 5 đến 10 năm. Cùng chung nhận định tình hình khó khăn mà Syria đang phải đối mặt, Giám đốc khu vực của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc Laila Baker cho biết:

“Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc vừa kêu gọi quyên góp 24 triệu USD cho Syria. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ mang lại sự hỗ trợ to lớn, cả về con người và vật tư. Chúng tôi sẵn sàng cùng với các đối tác của mình cung cấp dịch vụ thiết yếu cho các cộng đồng và cá nhân dễ bị tổn thương. Chúng tôi đang hợp tác với các thành viên khác trong gia đình Liên Hợp Quốc, như UNICEF, WHO, UNHCR đặc biệt tập trung vào các vấn đề quan trọng liên quan tới nơi trú ẩn, nước và vệ sinh. Nhiều nơi trú ẩn mà chúng tôi đến thăm hiện không có thiết bị vệ sinh và đối với phụ nữ, nhiều người trong số họ đang mang thai nên phải đối mặt với những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.”

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc ước tính, có khoảng 40.000 phụ nữ ở Syria đang mang thai và sẽ sinh con trong vòng ba tháng tới. Trong khi, nguy cơ bùng phát các bệnh từ nguồn nước cũng đang trở thành mối lo ngại không thể bỏ qua khi Liên Hợp Quốc ước tính, khoảng 9 triệu người dân Syria đang bị ảnh hưởng bởi trận động đất chết chóc vừa qua.

Liên Hợp Quốc vì vậy nhấn mạnh tính cấp bách của nhu cầu cứu trợ nhân đạo cho những người sống sót sau trận động đất lịch sử này. Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tại Châu Âu Hans Henri P. Kluge đánh giá, nhu cầu hỗ trợ người dân vùng thiên tai là rất lớn và tăng lên từng giờ. Khoảng 26 triệu người ở cả hai quốc gia cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Trước tình hình trên, nhiều nước và các tổ chức quốc tế vẫn đang hướng về Thổ Nhĩ Kỳ và Syria với những việc làm nhân đạo, thiết thực.

Dự báo tăng trưởng GDP của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023 đã được điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống 3%, mà chưa tính đến tác động của trận động đất.

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Lực lượng cứu hộ Quân đội tìm thấy 3 vị trí nạn nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ
Tin từ Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ: Sáng 15/2 (giờ địa phương), Chỉ huy Đoàn công tác của Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục giao ban cùng đại diện cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng cứu hộ quốc tế để thống nhất vị trí thực hiện nhiệm vụ tiếp theo.

(0) Comments
Focus
Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nông thôn
Đất nước ta đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, đòi hỏi cơ cấu lao động hợp lý và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Điều đó đặt ra phải làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn đóng một vai trò quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an si
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ: Ước tính thiệt hại 1% GDP