Đời sống vùng dân tộc thiểu số khởi sắc nhờ chính sách đầu tư ứng trước

28/07/2022, 06:00

Đến nay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, trong đó nổi rõ là chính sách đầu tư ứng trước.

Bình Thuận có 35 dân tộc anh em sinh sống, dân số 1,27 triệu người, trong đó 101.733 người dân tộc thiểu số gồm Chăm, Raglay, Cờ Ho, Tày, Nùng, Hoa, Chơro, chủ yếu ở các xã vùng cao và sâu. 20 năm về trước, cuộc sống người đồng bào vô cùng khó khăn với dân trí thấp, điều kiện kinh tế kém phát triển do thiếu vật tư, hàng hóa để phát triển sản xuất... Vì vậy hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thường xuyên xảy ra; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 50%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi diễn biến phức tạp.

img_7077.jpg
Đầu tư ứng trước giống bắp lai mang lại thu nhập cao.  

Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, địa phương cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng cơ sở, sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, nhiều chương trình, chính sách dân tộc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào được triển khai. Nổi bật nhất là chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư để hỗ trợ phát triển sản xuất cho người đồng bào dân tộc thiểu số.

img_7054.jpg
Cùng với canh tác và chăn nuôi cuộc sống người đồng bào ngày một ổn định

Trung tâm Dịch vụ miền núi (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: Năm 2004 trung tâm nhận nhiệm vụ thực hiện chính sách đầu tư ứng trước cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh. Khi nhận nhiệm vụ, trung tâm thành lập hàng loạt cửa hàng và đại lý trao đổi hàng hóa, thu mua, cung ứng vật tư nông nghiệp... ở khắp các thôn, xã miền núi, vùng cao. Để đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt, trung tâm tổ chức hội nghị tập huấn về chính sách đầu tư ứng trước cho các cửa hàng, đại lý. Từ đó, họ phối hợp với UBND các xã tuyên truyền cho bà con.

Như một làn gió mới mát lành thổi vào vùng cao, người dân đồng bào vô cùng phấn khởi. Họ xem các cửa hàng, đại lý như là địa chỉ tin cậy. “Nhà nước tạo điều kiện, mình mừng lắm, nếu không lấy đâu ra tiền đầu tư phân, giống. Cứ ứng trước rồi đến mùa thu hoạch bán lại cho cửa hàng, đại lý, trừ chi phí ứng trước còn lại là mình hưởng. Đến nay cuộc sống tốt hơn trước kia”, K’ Văn Vẳn ở xã Đông Giang chia sẻ.

img_6439.jpg
Đã biết chuyển đổi cây trồng, từ canh tác lúa sang trồng sen nâng cao thu nhập - ảnh chụp tại xã Phan Lâm

Trung tâm Dịch vụ miền núi cho biết: "Từ giai đoạn thực hiện Quyết định 05, trung tâm đã tổ chức thực hiện đầu tư ứng trước tổng kinh phí trên 82 tỷ đồng. Sau khi thanh toán nợ cho trung tâm, các hộ dân còn thu về trên 60 tỷ đồng". Nhiều hộ đồng bào giờ đây có thu nhập khá, do biết cách chăm sóc cây trồng đúng kỹ thuật nên năng suất đạt cao.

Điều ấy minh chứng hiệu quả của chính sách đầu tư ứng trước, chính sách này còn hạn chế tình trạng đi vay nặng lãi, tư thương ép giá. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh ở vùng cao, góp phần giúp đồng bào ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Ông Nguyễn Minh Chính - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ miền núi cho biết: Thời gian qua trung tâm đã nỗ lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số có đủ vật tư, hàng hóa để phát triển sản xuất, hạn chế tình trạng vay nặng lãi, tư thương ép giá, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào. Bà con ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng; nhận thức của các hộ được nâng lên, biết phát huy nội lực để vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

NINH CHINH

Related articles
Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau
Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau, trong tháng 6 đơn vị đã tiến hành nhiều hoạt động bảo vệ môi trường nhằm hưởng ứng “Ngày Môi trường thế giới”, “Ngày Đại dương thế giới”, “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam”.

(0) Comments
Focus
Đảm bảo môi trường du lịch an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày được xác định là “cơ hội vàng” cho toàn ngành du lịch. Với lợi thế về thiên nhiên, sự đa dạng các loại hình du lịch cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, lượng khách đến Bình Thuận trong dịp Tết năm nay được dự báo sẽ tăng cao. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, ngành du lịch còn tổ chức nhiều hoạt động tăng tính trải nghiệm, tạo sân chơi cho du khách.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đời sống vùng dân tộc thiểu số khởi sắc nhờ chính sách đầu tư ứng trước