Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới

01/09/2022, 05:19

Như chúng ta đã biết, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là quá trình cần tiếp tục hoàn thiện, đổi mới đưa những chủ trương vào cuộc sống thông qua đội ngũ cán bộ, thông qua tuyên truyền, qua kiểm tra giám sát, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

So với các kỳ đại hội trước, vấn đề này trong Văn kiện Đại hội XIII có nhiều điểm mới được bổ sung, cần nhận thức đúng để thực hiện có hiệu quả.

img_2773(1).jpg

Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường, nhất là với Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đồng thời phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân”. Việc ban hành chủ trương, nghị quyết của Đảng đã bám sát thực tiễn, phát huy dân chủ, gắn với xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt. Phong cách, lề lối làm việc của nhiều cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở được đổi mới theo hướng bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở.

“Mặc dù vậy, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng”. Biểu hiện là: cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, công tác thể chế hóa, cụ thể hóa chưa đầy đủ, chưa kịp thời thành pháp luật của Nhà nước về một số chủ trương, nghị quyết của Đảng. Việc ban hành nghị quyết của một số tổ chức Đảng chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi, trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nghị quyết chưa nghiêm, hiệu quả thấp, vẫn còn tình trạng bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo của một số tổ chức Đảng, còn có mặt hạn chế trong công tác giáo dục, thuyết phục nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật sự tiên phong, gương mẫu… Tình hình trên sẽ tác động mạnh, nhiều chiều đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ đó, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới”.

Từ thực tế trên, trong thời gian tới cần phải nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội bằng cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng. Đây là điều cơ bản nhất, bởi các nghị quyết của Đảng chính là sự kết tinh bản lĩnh chính trị, trí tuệ tập thể. Nếu nghị quyết của Đảng không phù hợp, sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường. Đường lối của Đảng đúng đắn là nhân tố hàng đầu, bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Phương thức lãnh đạo của Đảng chỉ được đổi mới mạnh mẽ và phát huy hiệu quả khi Đảng đề ra Cương lĩnh, đường lối, chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế của thời đại. Trong xây dựng nghị quyết của Đảng, yêu cầu rất quan trọng là phải làm tốt công tác dự báo, phải căn cứ vào diễn biến và chiều hướng phát triển tình hình mọi mặt ở trong nước và quốc tế để dự báo chính xác tình hình.

Trên cơ sở đó, hoạch định đường lối, chủ trương chiến lược dài hạn, cũng như ngắn hạn để xây dựng và phát triển đất nước phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao. Đây là công việc rất khó của tổ chức và cá nhân người lãnh đạo, quản lý, phụ thuộc vào bản lĩnh chính trị và tầm trí tuệ của người dự báo. Vì thế, phải chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, tầm trí tuệ của các tổ chức Đảng và đảng viên. Điều này phụ thuộc vào quá trình hoạt động thực tiễn, qua học tập, rèn luyện, nghiên cứu hàn lâm và tổng kết thực tiễn để nắm chắc tình hình mọi mặt trong nước và quốc tế ở mọi lúc, mọi nơi để dự báo. Đồng thời, coi trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia để tham mưu, tư vấn cho các tổ chức Đảng trong nghiên cứu, hoạch định Cương lĩnh, đường lối, chủ trương một cách đúng đắn. Tiếp tục đổi mới việc xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng các nghị quyết của Đảng, khắc phục tình trạng ban hành nghị quyết chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi. Đây là nội dung rất quan trọng, góp phần đưa nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống. Do đó cần phải lựa chọn đúng chủ đề để xây dựng nghị quyết.

Ngoài chương trình toàn khóa, trong thực tiễn có thể nảy sinh những vấn đề mới, Đảng cần nhanh nhạy nắm bắt, kịp thời nghiên cứu để xây dựng nghị quyết. Trên cơ sở ý kiến của cấp ủy, đội ngũ chuyên gia nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, sâu sắc cả cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn để đưa ra dự thảo nghị quyết bảo đảm có chất lượng. Trình bày nội dung phải vừa sát hợp đáp ứng đúng yêu cầu hoạt động thực tiễn của Đảng, phải vừa phổ thông, dễ hiểu, súc tích, dễ triển khai, đồng thời tránh sao chép giữa nghị quyết tổ chức Đảng cấp dưới với cấp trên và giữa các tổ chức Đảng với nhau. Phải lãnh đạo nâng cao năng lực của Nhà nước trong thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng. Bởi lẽ trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thì đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước là trọng yếu nhất. Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời tôn trọng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, vai trò, tính tự chủ, năng động, sáng tạo của các tổ chức đó.

Trong mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là tổ chức của nhân dân. Với vai trò, trách nhiệm là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị, Đảng phải bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất đối với các tổ chức đó. Trong lãnh đạo, phải bảo đảm phương thức thích hợp bằng cách tôn trọng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động. Cụ thể hóa nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo, quản lý.

Hơn lúc nào hết, Đảng cần thực hiện thật tốt các nguyên tắc tổ chức, xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Phải tôn trọng tập thể lãnh đạo và phát huy được sức mạnh trí tuệ, hành động của tập thể, đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân. Kiên quyết khắc phục, phòng, chống biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, mệnh lệnh, quan liêu, trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm tập thể, thiếu quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và xã hội bằng công tác kiểm tra, giám sát. Đây là vấn đề quan trọng, có tính xuyên suốt trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.

Trong những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị một cách đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, vai trò và hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với các cấu trúc, tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng được nâng cao, nhất là đối với Nhà nước. Đồng thời phát huy mạnh mẽ dân chủ, từng bước nâng cao tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân.

PHƯƠNG THẢO

Related articles
Bình Thuận phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý như vậy tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận vào sáng 31/8 .

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới