Doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò tiên phong

25/03/2022, 14:41

BTO - Ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), chủ đề “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Phan Văn Đăng chủ trì tại điểm cầu Bình Thuận

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến đầu năm 2021, Việt Nam còn khoảng 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Hiện nay, nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp, chỉ còn 94 DNNN quy mô lớn. Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Các DNNN đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng… đóng góp hơn 29% GDP của đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Phan Văn Đăng chủ trì tại điểm cầu Bình Thuận

Tuy nhiên, hoạt động và đóng góp của khối DNNN trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối. Các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế và năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của DNNN, đồng thời lưu ý, thời gian tới, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, vì vậy, DNNN phải tiếp tục đoàn kết, nhạy bén, linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế nhằm góp phần quan trọng vào xây dựng thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đặc biệt, phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ; tiếp tục xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần, vật chất của người lao động.

Thủ tướng đề nghị, DNNN phải tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được để tạo ra bước phát triển tích cực, nhanh, bền vững, một số doanh nghiệp phải tạo ra đột phá để phát triển, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách. Phải tiếp tục chung tay xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, môi trường lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, nhân văn, không tham nhũng, tiêu cực, phù hợp với nền kinh tế thị trường và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí, tầm quan trọng của DNNN. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ về thể chế, cơ chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn để nâng cao trách nhiệm, tính tự chủ, tự lực, tự cường của doanh nghiệp. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cụ thể, quan trọng trên các lĩnh vực gắn với trách nhiệm để huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước vào phát triển kinh tế - xã hội…

Tại Bình Thuận, theo số liệu và phân tích của Cục Thống Kê, tính đến thời điểm cuối năm 2020, tổng số DNNN hiện còn 9 doanh nghiệp, chiếm 0,22% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh (4.166 doanh nghiệp) đang hoạt động và có kết quả sản xuất kinh doanh). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bình Thuận trong những năm gần đây thay đổi rõ rệt giữa các khu vực, thể hiện đã giảm dần tỷ trọng trong khu vực nông nghiệp trong khi tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ.

T.DUYÊN

Related articles
Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận
BTO-Sở Công Thương vừa có hướng dẫn bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận năm 2022 gởi các địa phương để triển khai thực hiện.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò tiên phong