Thưa đại biểu, để tham gia kỳ họp thứ 4 đạt kết quả tốt, Đoàn ĐBQH tỉnh, các ĐBQH tỉnh dự kiến sẽ đóng góp, thảo luận những nội dung gì?
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông: Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV họp tập trung trong thời gian 21 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 15/11/2022. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thành công tốt đẹp, đem lại những động lực thúc đẩy quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII trong bối cảnh mới cho đất nước. Quá trình dự họp về công tác lập pháp, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ thảo luận, góp ý 7 dự án Luật, 3 dự thảo nghị quyết thông qua, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tham gia thảo luận và cho ý kiến 7 dự án Luật khác được trình ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu, trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nghiên cứu nội dung để góp ý các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023. Đồng thời, các ĐBQH tỉnh cũng sẽ tích cực tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH với 4 nhóm vấn đề và một số nội dung quan trọng khác.
Qua các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu những nội dung gì để kiến nghị đến Quốc hội, thưa đại biểu?
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông: Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương tổ chức cho 6/7 ĐBQH tiếp xúc cử tri gồm 31 xã, phường, thị trấn của 9/10 huyện, thị xã, thành phố; 2 buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề ngành y tế và hợp tác xã. Qua tiếp xúc cử tri, các ĐBQH tỉnh đã lắng nghe, ghi nhận những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri tỉnh gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Trong đó, Đoàn sẽ kiến nghị đến Quốc hội xem xét sớm ban hành Luật Đất đai (sửa đổi), tổ chức lấy ý kiến đến người dân đối với nội dung dự thảo luật này, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét rà soát và điều chỉnh Luật Tổ chức tín dụng để thuận tiện cho người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh. Về một số vấn đề quan trọng của đất nước, Đoàn cũng ghi nhận ý kiến của cử tri kiến nghị Quốc hội quan tâm xem xét sớm thực hiện việc cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức; xem xét thông qua, ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm đảm bảo người dân được tiếp cận với những mặt hàng an toàn nhất…
Mặt khác, cử tri kiến nghị Đảng, Nhà nước tăng cường hơn nữa các giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng; kiên quyết xử lý nghiêm minh đúng theo quy định pháp luật về các trường hợp tham nhũng. Tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra là một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước, vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hiện nay, chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Cử tri kiến nghị Chính phủ có chính sách, biện pháp, chế tài cụ thể đối với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường nhất là ô nhiễm tại các khu công nghiệp, các nhà máy lớn...
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi Ban Dân nguyện Quốc hội tổng hợp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 này. Từ những kiến nghị, đề xuất, phản ánh của cử tri, các ĐBQH tiếp thu, nghiên cứu kỹ tài liệu để có nội dung phát biểu chất lượng, tập trung phân tích, đánh giá, kiến nghị các giải pháp thiết thực vì quyền lợi của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.
Thưa đại biểu, tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết những vấn đề gì để tạo điều kiện cho tỉnh Bình Thuận phát triển trong thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông: Song song với các hoạt động tập trung tại Nhà Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ xem xét, kiến nghị Quốc hội sớm thông qua chủ trương điều chỉnh dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam; xem xét, báo cáo Quốc hội giao UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư dự án. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị xem xét bổ sung Khu kinh tế ven biển phía nam Bình Thuận vào dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 và đưa vào danh mục các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình Kè phía bắc đảo Phú Quý, hồ chứa nước ngọt huyện Phú Quý. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xem xét điều tiết lại một phần kinh phí từ nguồn thu dầu khí để tỉnh Bình Thuận có điều kiện đầu tư hạ tầng nghề cá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, cải thiện sinh kế cho ngư dân trong tỉnh.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, sửa chữa ngay các hư hỏng phát sinh trên tuyến quốc lộ 1A; kiểm tra, giải quyết tình trạng ngập nước, nước chảy tràn qua mặt đường đoạn qua xã Tân Đức, huyện Hàm Tân. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xem xét thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án hồ La Ngà 3, tỉnh Bình Thuận, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án...
Trân trọng cảm ơn đại biểu!