Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Chuyển tải nguyện vọng của cử tri đến cơ quan quyền lực cao nhất

15/11/2021, 09:15

BT- Ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông xung quanh những đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận vào thành công của kỳ họp.

Xin ông cho biết những kết quả quan trọng, nổi bật của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV?

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh

Nguyễn Hữu Thông.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong thời điểm đặc biệt, khi cả nước trở lại trạng thái “bình thường mới” sau hơn 4 tháng phải căng mình chống chọi với đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ. Kỳ vọng về các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, trở lại nhịp sống bình thường là điều được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm. Sau 16 ngày làm việc trách nhiệm, tích cực, tập trung, kỳ họp tiến hành theo đúng chương trình đã đề ra và kết thúc thành công tốt đẹp.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 2 luật, 12 nghị quyết; cho ý kiến về 5 dự án luật khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; xem xét nhiều báo cáo quan trọng về công tác phòng chống dịch Covid-19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội; việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020; công tác tư pháp, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng chống tham nhũng năm 2021.

Những dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đồng thời, Quốc hội thông qua Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; 4 Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế.

Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị tổ chức và tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện rõ các đại biểu Quốc hội là người đại diện của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân giám sát chặt chẽ.

Đoàn ĐBQH tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Những hoạt động nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tại kỳ họp này là gì, thưa ông?

Tại kỳ họp, các ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia đầy đủ hoạt động, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm, quyền hạn của người đại biểu theo hiến pháp và pháp luật. Trong điều kiện thời gian có hạn, khối lượng công việc lớn, các đại biểu trong đoàn đã rất chủ động, tích cực, tập trung dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu trước khi tham gia thảo luận, chất vấn, biểu quyết, bỏ phiếu. Đã có 40 lượt ý kiến của các đại biểu trong đoàn tại các buổi thảo luận, chất vấn, trong đó có 32 lượt ý thảo luận tại tổ; 7 ý kiến thảo luận tại hội trường và 1 ý kiến chất vấn.

Đặc biệt, nhiều vấn đề mà cử tri, nhân dân Bình Thuận quan tâm đã được các đại biểu trong đoàn chuyển tải đến Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm để xem xét giải quyết. Các ĐBQH tỉnh đã tập trung nghiên cứu góp ý báo cáo về công tác phòng chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30 về kỳ họp thứ nhất. Trong đó, đề nghị Chính phủ quan tâm ban hành Chiến lược tổng thể về phòng chống dịch để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, tăng cường dự báo xu hướng dịch Covid-19; chỉ đạo bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. Đáng chú ý, Đoàn ĐBQH tỉnh ta đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét chọn ngày làm lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì đại dịch Covid-19 và đã được Quốc hội chấp thuận.

Bên cạnh đó, ĐBQH tỉnh đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105 của Chính phủ; kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh; miễn, giảm, hỗ trợ liên quan đến BHXH… Có thể thấy rõ, các ý kiến phát biểu thảo luận, chất vấn đều rất chất lượng, tập trung, bổ sung, nhấn mạnh, làm rõ các nội dung đánh giá tình hình, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan một số giải pháp cụ thể để giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đang đặt ra trong thực tiễn. Có thể nói, Đoàn ĐBQH và mỗi ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã phát huy vai trò, trách nhiệm và có đóng góp tích cực vào thành công chung của kỳ họp.

Để đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri tỉnh nhà, thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

Để hoàn thành tốt trọng trách được giao, ngay sau kỳ họp thứ 2, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng, ý kiến kiến nghị của cử tri để hiểu sâu sắc hơn về thực tiễn cơ sở và kịp thời chuyển tải, phản ánh, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm xem xét giải quyết. Đối với cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 2 lần này, do tình hình dịch Covid-19 ở tỉnh đang diễn biến phức tạp nên Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổ chức 1 cuộc tiếp xúc cử tri trực tuyến (vào ngày 23/11/2021) đến tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh để báo cáo kết quả kỳ hợp thứ 2 – Quốc hội khóa XV và tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát đi vào những vấn đề thực tế, tập trung những vấn đề bức xúc của cử tri. Trước mắt từ đây đến cuối năm 2021, sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện các nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021; chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 và một số chuyên đề khác theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, tăng cường phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ các cấp ở địa phương để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những bức xúc của nhân dân. Từ đó, tìm giải pháp hiệu quả tháo gỡ các vấn đề thực tiễn đặt ra ở địa phương được đông đảo cử tri quan tâm. Đồng thời, mỗi ĐBQH sẽ tiếp tục dành thời gian, công sức, trí tuệ, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Quốc hội, hoàn thành trọng trách mà cử tri và nhân dân giao phó.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Chuyển tải nguyện vọng của cử tri đến cơ quan quyền lực cao nhất