Dệt may với khó khăn thiếu đơn hàng, giá giảm

24/07/2023, 09:21

Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các DN dệt may còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với các năm trước.

Xuất khẩu sang các thị trường lớn đều giảm

Ngày 19/7, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin tình hình ngành dệt may Việt Nam nửa đầu năm.

5522_dsc_2934.jpg
Các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50%. 

Theo đó, năm 2023, tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm (năm 2021 tăng 6%; năm 2022 tăng 3%, dự báo năm 2023 chỉ trên dưới 2%). Ngành dệt may theo đó chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU.

6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD, cùng kỳ 2022 là 8,8 tỷ USD.

Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường lớn trong 5 tháng đầu năm hầu hết đều giảm: Mỹ giảm 27,1%, EU giảm 6,2%, Nhật Bản tăng 6,6%, Hàn Quốc giảm 2%, Canada giảm 10,9%...

“Mức giảm sâu này không chỉ bởi tác động của nền kinh tế mà còn đến từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD, EU và Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ 01/01/2023). Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng do lãi suất huy cao từ cuối năm 2022, nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. Doanh nghiệp không tiếp cận được với các gói hỗ trợ, ví dụ giảm lãi suất 2% với gói 40.000 tỷ…”, Vitas cho biết.

Đơn giá có thể giảm sâu tới hơn 50%

Theo Vitas, dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý 3 và quý 4. Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.

Năm 2023, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu đạt 39 - 40 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa.

Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.

Vitas cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhãn hàng, doanh nghiệp với Chính Phủ; phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình về lao động, năng lượng xanh, tuần hoàn tái chế, chuyển đổi số, thiết kế, xây dựng thương hiệu, quản trị nhân lực…

Đồng thời tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm khách hàng cho các doanh nghiệp, song song giữ vai trò là cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước với khối doanh nghiệp dệt may, nâng cao nhận thức phát triển ngành theo hướng xanh - sạch - bền vững.

Chia sẻ về tình hình sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm và dự báo tình hình nửa cuối năm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) diễn ra cuối tháng 6, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ, những tháng cuối năm 2023, dự báo ngành dệt may Việt Nam sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài…

Trước những thách thức này, Vinatex tiếp tục linh hoạt ứng phó với những diễn biến bất ổn, bất định của thị trường, thường xuyên dự báo cập nhật nhanh tình hình thị trường dệt may thế giới và trong nước, ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn nguồn nhân lực để sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi; tiếp tục đầu tư theo hướng xanh hóa dệt may…

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Xuất hiện vùng áp gần biển Đông, có thể mạnh dần lên
Một vùng áp thấp hình thành và đang hoạt động ở trên khu vực phía Đông Philippines, dự báo đi vào Biển Đông trong những ngày tới.

(0) Comments
Focus
La Gi: 
Truy quét, bắt giữ 11 đối tượng liên quan đến ma túy
BTO-Tiếp tục thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an thị xã La Gi đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, rà soát phát hiện một số điểm phức tạp về ma túy nên Công an thị xã khẩn trương lên kế hoạch đấu tranh, triệt xóa. Từ chiều ngày 25/12 đến rạng sáng ngày 26/12, Công an thị xã đã phát hiện, bắt quả tang 3 vụ/11 đối tượng có hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dệt may với khó khăn thiếu đơn hàng, giá giảm