Đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ nông dân

22/10/2022, 15:57

BTO-Sáng 22/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tổ 5 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, Sơn La, Hà Tĩnh, Đắk Nông.

Tham gia thảo luận, đại biểu Đặng Hồng Sỹ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận bày tỏ vui mừng vì kinh tế - xã hội đã hồi phục và phát triển sau dịch Covid-19. Tuy nhiên qua tiếp xúc cử tri phản ánh, đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, nhất là người nông dân sản xuất lúa. Nhiều ruộng đồng bỏ hoang bởi giá nguyên liệu đầu vào cao nhưng giá lúa không tăng. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cũng gây khó khăn đối với ngư dân, tàu bè nằm bờ nhưng tiền vay vẫn phải trả lãi… từ những vấn đề trên dẫn tới nguy cơ tái nghèo cao.

Do đó, đại biểu Sỹ đề nghị Chính phủ cần tính toán xem xét để có chính sách hỗ trợ người nông dân vượt qua những khó khăn trên. Ngoài giá cả, đại biểu Sỹ đề xuất Chính phủ cần giữ nguyên mức học phí của năm học 2021-2022 và triển khai sớm để người dân yên tâm hơn.

2.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Đặng Hồng Sỹ

Mặt khác theo đại biểu Sỹ, sau dịch Covid-19, doanh nghiệp và người dân còn khó khăn nhưng các gói hỗ trợ để phục hồi kinh tế theo nghị quyết của Quốc hội triển khai quá chậm, cần làm rõ trách nhiệm thuộc cơ quan nào. Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII theo kế hoạch phải hoàn thành vào năm 2021 nhưng đến nay đã gần hết năm 2022 vẫn chưa xong. Đại biểu Sỹ đề nghị cần xác định rõ trách nhiệm thuộc về đâu, trong khi các nhà đầu tư rất mong chờ Quy hoạch điện VIII. Vì vậy, cần triển khai sớm và công khai minh bạch Quy hoạch điện VIII.

Thống nhất với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến năm 2023, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận quan tâm tới tốc độ tăng năng suất lao động. Cụ thể, mục tiêu đặt ra năm 2022 là 5,5%, tuy nhiên mức dự kiến đạt được chỉ là 4,7% - 5,2%, đây là thách thức rất lớn đối với việc thực hiện mục tiêu này cho giai đoạn 2021-2025. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét lại việc đặt ra chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động trong năm 2023.

221020221118-22.10-hopto-9-.jpg
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận

Đại biểu Yến cho rằng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ 4.0, thực hiện quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện phát triển kinh tế xanh thích ứng với biển đổi khí hậu là những vấn đề then chốt, quyết định có thành công hay không việc chuyển đổi quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Do đó, vấn đề tăng năng suất lao động xã hội là một trong những biểu hiện thực chất đối với chất lượng nguồn nhân lực và được đánh giá là một trong 3 đột phá quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu Yến kỳ vọng và mong rằng sẽ có những giải pháp trực tiếp, hiệu quả đối với việc đạt được chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội. Các phương thức, cách thức triển khai cần đảm bảo về mặt thời gian, chi phí, nguồn lực mới có thể đẩy nhanh quá trình thực hiện mục tiêu đặt ra.

Tại phiên thảo luận tổ, các vị đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

T.HÀ

Related articles
Ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Sáng 20/10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 4.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ nông dân