Trong sự háo hức, vui mừng của học sinh khi bước vào kỳ nghỉ hè là sự lo lắng, căng thẳng của nhiều phụ huynh trong việc quản lý con em sao cho an toàn, lành mạnh, bổ ích trong dịp nghỉ hè. Có phụ huynh chọn phương án đưa con về nhà ông bà nội ngoại, người lại tìm cho con các khóa học để phát triển kỹ năng sống. Cũng có phụ huynh tranh thủ thời gian nghỉ hè để củng cố kiến thức cho con trước khi bước vào năm học sau. Chị Thanh Mai có 2 con học tiểu học tâm sự: “Các con sắp bước vào kỳ nghỉ hè mà vợ chồng tôi vẫn chưa tính được phương án nào yên tâm gửi con để đi làm. Ông bà nội ngoại ở xa nếu gửi về quê thì sông suối, ao hồ nhiều không an toàn. Còn nếu để con ở nhà chơi với nhau thì suốt ngày tivi, điện thoại. Do vậy, tôi đang tìm hiểu các lớp học năng khiếu để cho con tham gia”. Còn anh Thắng có con học THCS chia sẻ: “Dù con đã lớn nhưng vẫn không yên tâm khi bố mẹ vắng nhà. Qua tìm hiểu, tôi sẽ đăng ký cho con tham gia chương trình học kỳ quân đội nhằm giúp con phát huy sự năng động, bồi dưỡng thêm kỹ năng sống và tăng cường vận động, tiết chế thời gian sử dụng điện thoại khi ở nhà…”.

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động hè an toàn, lành mạnh, thiết thực thông qua một số hoạt động. Cụ thể, căn cứ nhu cầu của cha mẹ trẻ và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy hè từ tháng 6 đến giữa tháng 8 năm 2025, trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Phối hợp với các tổ chức Đoàn – Hội – Đội tổ chức hoạt động vui chơi, văn hóa – văn nghệ, thể dục thể thao cho học sinh. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền, giáo dục học sinh về kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại, an toàn giao thông...

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Cụ thể, phụ đạo miễn phí cho học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học, học sinh cần củng cố kiến thức (đặc biệt ở cấp tiểu học và THCS). Tuyên truyền chủ trương không tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch chuẩn bị tốt tâm thế cho học sinh chuyển cấp. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với gia đình và địa phương trong việc quản lý học sinh trong thời gian hè, đảm bảo an toàn, không để xảy ra vi phạm pháp luật, tai nạn thương tích; nắm bắt tình hình học sinh có nguy cơ bỏ học, đặc biệt ở cấp THCS và THPT để có biện pháp vận động phù hợp...
Để có một mùa hè ý nghĩa, các chuyên gia cũng khuyên rằng, ngoài chương trình của các nhà trường hay đoàn thể địa phương, phụ huynh và học sinh hãy tự xây dựng cho mình một kế hoạch hoặc thời gian biểu kỳ nghỉ hè theo sở thích, nguyện vọng của bản thân. Tại đó, hãy phân chia quỹ thời gian hợp lý dành cho một số việc, như thư giãn, nghỉ ngơi, học hỏi, đọc sách… để sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè, mỗi học sinh đều thấy mình trưởng thành hơn, biết sống có mục đích, có kỷ luật và trở thành người hữu ích hơn.