Đâu chỉ cần những cây cầu qua Suối Thị

07/11/2024, 05:31

Vì tinh thần đó mà từ năm 2009 đến giờ, cuộc họp nào mà bà có tham dự là bà kiến nghị cần xây cầu thay cho cái tràn hiện giờ, bắc qua Suối Thị. “Không hiểu sao nghe từ “tràn” là người dân ở đây ám ảnh lắm. Họ ao ước có cây cầu” – bà Năm nói.

Chuyện ở xã Hàm Thạnh

Ngày 8,9 tháng 10/2024, trong khi Phan Thiết nắng ráo thì cách vài chục cây số về hướng nam, vườn thanh long của các xã Hàm Thạnh, Mương Mán (huyện Hàm Thuận Nam) bị nước ngập lút ngọn, ai nghe cũng ngờ ngợ. Nhưng ngày 11/10, chúng tôi đến 2 xã này thì cứ như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ có dấu vết của bùn đất, rác còn vướng lại trên cây cối ven bờ suối, đánh dấu nước đã lên đến chừng ấy. Còn nước Suối Thị đục ngầu nhưng lững lờ trôi dưới tấm tràn bằng bê tông bắc qua suối, còn thấp hơn cả mặt đường đi.

z6005494616290_f5c403019336cb517143dac0e70ecd0b.jpg
Đập tràn qua Suối Thị ở Hàm Thạnh.

“Bây giờ, nhìn bình thường vậy, chứ lúc nước suối dâng lên thì nơi tràn này như cái bẫy người đi đường, sẵn sàng lôi người xuống suối cuốn phăng” – Bà Võ Thị Năm, có nhà ở đầu tràn thuộc thôn Dân Thuận, xã Hàm Thạnh nói. Theo bà Năm, trước năm 2009, nơi con suối chảy ôm cua qua nhà bà có cây cầu gỗ. Khi dân nơi đây kiến nghị xây cầu thì năm 2009 tràn bê tông này được xây dựng. Ban đầu dân mừng, vì thấy chắc chắn nhưng khi mùa mưa về thì mới phát hiện ra không an toàn. Vì tràn quá thấp nên chỉ để người dân đi lại trong mùa nắng, còn mùa mưa thì nước ngập cao quá đầu người, đến lúc nước rút xuống đầu gối thì cũng không thể đi qua, vì có thể bị cuốn xuống suối rất nhanh, vì không có thanh chắn hay bất cứ gì để níu giữ. Mùa mưa là mùa khổ nhất của dân ở đây, vì nước có thể dâng lên tràn bất thình lình nên người dân không thể qua trung tâm xã, học sinh phải nghỉ học và khổ nhất là những trường hợp phải đi… đẻ.

Bà Năm kể tiếp, những nhà ở xóm bên kia tràn biết người nhà sẽ sinh nở trong mùa mưa thì thường phải qua nhà người quen hay thuê nhà bên trung tâm xã, huyện nên chưa có trường hợp nào xảy ra sự cố. Nhưng theo suy nghĩ của bà Năm, bây giờ mà còn cảnh trên, nhất là xã Hàm Thạnh đâu phải vùng sâu, xa gì thì chưa phù hợp lắm, khi chỉ vì cái tràn bắt qua con Suối Thị. Vì tinh thần đó mà từ năm 2009 đến giờ, cuộc họp nào mà bà có tham dự là bà kiến nghị cần xây cầu thay cho cái tràn hiện giờ, bắc qua Suối Thị. “Không hiểu sao nghe từ “tràn” là người dân ở đây ám ảnh lắm. Họ ao ước có cây cầu” – bà Năm nói.

Chuyện ở xã Mương Mán

Theo dòng Suối Thị, chúng tôi về xã Mương Mán. Tràn ở xã Mương Mán bắc qua Suối Thị cũng một khuôn như ở Hàm Thạnh, thấp lè tè nhưng cao hơn nước suối. Chắc do ngâm trong lũ nhiều nên mặt đường ở khu vực này không còn phẳng láng của bê tông mà lởm chởm đá mi. Được là Đoàn thanh niên xã Mương Mán có biển cảnh báo khu vực nước ngập sâu, chú ý qua lại, ngay khu vực tràn. Qua tràn là vào khu vực chuyên canh thanh long của thôn Đại Thành. Vườn thanh long của ông Lê Quang Sáng đang có trái chín đỏ nhưng nhìn kỹ đã lem luốt bùn đất, vì bị ngâm trong nước lũ hơn 8 tiếng đồng hồ. Ông cứ nhớ, chiều ngày 8/10, mưa suốt đến 10 giờ đêm là nước dâng lên vườn thanh long và ngập đến trưa ngày 9/10 mới rút. Cây thanh long vẫn tươi cành nhưng trái đang chín đã bị teo lại, ruột cũng teo lại. Ông phải cắt bỏ 2 tấn trái, giá lúc ấy 24.000 đồng/kg, tính ra tiền đứt cả ruột. Ông nói buồn thiu: “Trời không cho ăn thì chịu, chứ sao!”.

z6005506185989_4424dc4e2963c0f0928017532f73c093.jpg
Nước tràn qua Suối Thị ở xã Mương Mán.

Đâu chỉ nhà ông, cả xóm này ai cũng bị thiệt hại không nhiều thì ít. Năm nay bị ngập nặng nhất. Các năm trước cũng bị ngập nhưng thanh long ít bị thiệt hại. Nhưng hơn tất cả, việc đi lại qua tràn ở đây cũng bị tình cảnh tương tự như ở Hàm Thạnh. Thế nên, người dân kiến nghị nhiều việc thay tràn bằng cầu nhưng vì tuyến đường có tràn đã được thi công rồi nên chính quyền huyện chưa chưa biết bố trí vốn từ đâu. Vì thực sự, cũng trên tuyến đường đó có đoạn chưa được xây dựng mà qua nhiều lần tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND tỉnh, huyện, cử tri xã Mương Mán kiến nghị cần cải tạo tuyến dốc bà Năm đi Hàm Hiệp, việc cần thiết phải được đầu tư cầu để phục vụ lưu thông. Vì hiện tại tuyến đường cầu Ông Đạm, Lò Ngói khi mưa về thường xuyên bị ngập cục bộ và gây cô lập nhà người dân, ảnh hưởng đến việc học tập và lao động của nhiều hộ dân. Đây là tuyến đường kết nối xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam và xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc với điểm đầu tuyến tiếp giáp đường ĐT.718; điểm cuối giáp ranh đất xã Hàm Hiệp, trong đó xã Mương Mán là 170m và phần lớn chiều dài tuyến là thuộc về địa phận Hàm Hiệp - Hàm Thuận Bắc.

z6005499973864_60fa2f4a22ab15f489f503fe84c75130.jpg
z6005501954935_9e7238ab62ab3ecfadd9fb456cc9c3b0.jpg
Vườn thanh long của ông Lê Quang Sáng ở Mương Mán sau khi bị ngập trong nước và trái thanh long hư hỏng sau khi bị ngập nước.

Rắc rối Suối Thị

Tìm trên Google không có tên Suối Thị như bao dòng sông trên địa bàn Bình Thuận. Có lẽ vì nó chỉ là 1 con suối nhưng theo những người dân ở 2 xã Hàm Thạnh, Mương Mán nói thì Suối Thị hiện diện trên địa bàn 2 xã và kéo về xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc trước khi đổ ra sông Cái. Trong hành trình đó, hai bên bờ con suối hiện giờ là tre trúc, cây cối um tùm, có đoạn người dân còn đào ao, đắp ụ nên cản trở dòng chảy Suối Thị. Còn trên con đường liên huyện băng qua Suối Thị này có những tràn cài bẫy vào mùa mưa rất nguy hiểm. Điều đáng nói, không chỉ thay những cái tràn trên bằng những cây cầu mà còn rất cần sự liên kết để khơi thông dòng chảy con suối rất dài này. Đó là điều cần thiết, vì 2 xã Hàm Thạnh, Mương Mán đều đang dốc sức xây dựng xã nông thôn mới, trong đó đều đã thực hiện đạt chuẩn tiêu chí số 3 về Thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Cụ thể, đã đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, đã củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai, đã củng cố Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đã xây dựng Phương án về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Thế nên, cần sự dốc lực trong chỉnh trị dòng Suối Thị để chấm dứt cảnh vào mùa mưa nào, dân ở đây cũng nơm nớp việc đi qua các tràn có bẫy chết người và vùng chuyên canh thanh long bị thiệt hại…

GHI CHÉP: HẢO CHI

Related articles
Luật Việc làm (sửa đổi): Đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Mới đây, Ủy ban Xã hội tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 15 để thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Theo chương trình kỳ họp thứ 8 được Quốc hội thông qua, vào ngày 9/11, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Quốc hội sẽ làm việc tại tổ thảo luận dự án Luật Việc làm (sửa đổi)...

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đâu chỉ cần những cây cầu qua Suối Thị