Cùng lúc tiến hành dựng nhà thờ đầu tiên tại chân động cát Giếng Đụt (Tân Long) vào năm 1885. Rồi tiếp tục chiêu tập 9 hộ giáo dân từ miền Trung lánh nạn hòa nhập cùng số dân từ vùng lân cận phía nam đến làng Cù Mi Thượng, khai phá vùng đất hoang kề biển lập nên giáo họ và nhà thờ Cù Mi vào năm 1887 (nay thuộc thôn Hiệp Hòa, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân).
Khi tìm hiểu về lịch sử một vùng đất thường dựa vào địa danh ban đầu để xác định nguồn gốc, bản ngữ cư dân ở đó. Theo từ điển “Địa danh đối chiếu …” của Sakaya (Nxb.Tri Thức) cho rằng các tên gọi làng Phò Trì - Phù Mi - Cù Mi (Bhummi/ Phò Trì) ở Tân Thắng ngày nay cùng một địa danh, gốc Chăm có nghĩa quê hương, xứ sở. Nhưng do người Việt đọc chệch âm từ Bhummi thành Phò Trì… Ở sách Đại Nam nhất thống chí cũng ghi trong hệ thống sông, cửa tấn, lý lộ trên địa bàn huyện Tuy Lý có nói đến Phù My tương ứng theo địa lý tự nhiên của địa phương và nhắc đến địa danh thôn Phù My, núi Phù My là đầu nguồn con sông chảy ra biển chia làm 2 cửa Phù My Thượng, Phù My Hạ. Theo đó, Phò Trì có thể là Phù Mi, nhưng với Cù Mi thì sao? Theo sách “Địa danh học Việt Nam” của PGS.TS. Lê Trung Hoa nêu yếu tố ngữ âm của Bumi/quê hương, từ gốc Chăm là Cù Mi (làng). Vùng đất này trước 1945 từ sông Kô/Cô Kiều đến làng Bình Châu, trên tuyến đường quan báo dài khoảng 17 km có tên làng Cù Mi Thượng và làng Cù Mi Hạ, thuộc phần đất hộ Hàm Thắng, tổng Phước Thắng, huyện Hàm Tân…
Lịch sử làng Bình Châu hiện nay, cũng có sự trùng hợp khá lạ là làng Bình Châu xưa có tên làng Cù Mi thuộc tổng Nhơn Xương, tỉnh Bà Rịa. Chỉ đổi thành tên xã Bình Châu từ sau năm 1954 thời VNCH thuộc quận Xuyên Mộc (tỉnh Phước Tuy), tồn tại cho đến sau này. Kể cả suối nước khoáng nóng 830C, lộ thiên và trải rộng giữa cánh rừng nguyên sinh do người Pháp phát hiện năm 1905 có tên suối khoáng nóng Cù Mi, bên cạnh làng người dân tộc thiểu số Châu Ro. Nơi này trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trở thành một khu căn cứ rất quan trọng về chiến lược, địa đầu miền Đông Nam bộ và giáp với cực Nam Trung bộ.
Trên một địa bàn rộng, đất đai trù phú, thuận lợi trong nghề nông nghề biển nhưng tộc người Chăm bản địa chỉ chiếm một bộ phận nhỏ dọc bờ sông Kô Kiều, đầu làng Cù Mi Thượng (nay là thôn Phò Trì) có tín ngưỡng đạo Bà Ni. Còn lại hầu như từ các làn sóng cư dân phiêu tán thời Nguyễn Ánh chống Tây Sơn và dân các tỉnh lân cận lánh nạn khi Pháp chiếm 6 tỉnh miền Tây năm 1867 tạo nên vùng đất tụ nghĩa yên bình… Thế thì ở phần đất Bình Châu không có dấu vết gì để cho rằng là đất bản địa người Chăm mà lại có tên Cù Mi. Như vậy, địa danh Cù Mi có thể là do yêu cầu quản lý với địa bàn quá rộng cho nên hình thành hai khu vực Thượng và Hạ. Nối liền với vùng đất huyện Xuyên Mộc, sách xưa ở tổng An Trạch, hạt Bà Rịa có thôn Cù My (1). Sau này ghi chép rõ hơn, trong cùng khu vực có một nông trường cao su Cù Bị, thuộc xã Hàng Gòn (huyện Châu Đức- Bà Rịa)… Nếu truy nghĩa gốc có chăng sự liên quan đến người gốc Chăm thì hoàn toàn không có mối liên hệ nào, vì đây là vùng của lưu dân nhập cư mới. Trong sách Địa bạ triều Nguyễn (Bình Thuận), Phù Trì là một thôn thuộc tổng Nông tang (của người dân tộc thiểu số), huyện Tuy Định, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận nằm phía đông giáp thôn Phước Thắng (tổng Đức Thắng) vào khoảng năm 1832 thời Minh Mạng thứ 13. Khi lưu dân Việt đến vùng đất này và khai hoang, lập làng đã Việt hóa ngữ âm địa danh của người Chăm bản địa ban đầu từ Bumi đến Phù/Phò Trì, Cù Mi...
Sau khi thành lập huyện Hàm Tân năm 1916, chỉ có 2 tổng Phong Điền và Phước Thắng. dưới thời phong kiến vùng đất này thuộc phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận. Tổng Phước Thắng từ bờ nam sông Dinh xuống tận Bình Châu gồm các làng Phước Lộc, Hàm Tân, Phò Trì, Hàm Thắng, Thắng Hải (bao gồm làng Bình Châu)… Sau 1945, vùng này nằm trong khu căn cứ kháng chiến chống Pháp, lập 2 xã Cộng Hòa gồm các làng Phò Trì, Hàm Thắng và xã Thắng Bình gồm các làng Thắng Hải, Thắng Tân, Bình Châu… Đến năm 1957, tỉnh Bình Tuy được thành lập, gộp lại một xã Hiệp Hòa (trong đó có làng Chăm Phò Trì) thuộc quận Hàm Tân và cùng lúc làng Bình Châu/ Cù Mi thành xã Bình Châu thuộc quận Xuyên Mộc, tỉnh Phước Tuy. Nhưng phần đất giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Tuy và Phước Tuy vẫn định hình về dân cư sinh sống như từ xưa. Một bộ phận dân sống nghề biển Phước Lộc (La Gi) đã lập nghiệp ở cửa sông Bến Lội (Bình Châu). Suối nước nóng Cù Mi (tên gọi thời bấy giờ) nằm trong danh mục các thắng cảnh, di tích Biển Lạc, Tà Cú, Hòn Bà, Kê Gà, Đồi Dương, Đập Đá Dựng … của tỉnh Bình Tuy. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký quyết định xác định đường ranh giới hành chính giữa 2 tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể lấy “ranh giới bắt nguồn từ đỉnh núi Mây Tào đi theo nhánh phía tây của suối Tà Răng theo sông Đu Đủ, tiếp theo sông Cô Nhi” (sông Chùa) chảy ra biển” (2), tức cách trung tâm xã Bình Châu khoảng 7 km. Như vậy suối nước nóng Cù Mi và cánh rừng nguyên sinh rộng lớn giáp ranh xưa nay đã không còn thuộc huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Huyền thoại Hòn Bà - thờ nữ thần Thiên y Ana trên hòn đảo nhỏ ngoài biển La Gi như một sử thi của cuộc chia ly với người chồng phụ bạc lưu lạc tận núi Ông heo hút (ở Tánh Linh) và chảo nước sôi do bà giận dỗi hất đổ là suối nước nóng còn đó… Với bà ôm nỗi cô đơn, phát tâm độ trì cho những ngư dân gặp nạn giữa trùng khơi biển cả. Biết bao trang văn, bài báo đã coi đó là câu chuyện tình bi thiết, độc đáo của mảnh đất La Gi.
Tuyến đường quan báo/ thiên lý ven biển dưới triều Nguyễn ngang qua đất Bình Thuận ở thời chưa có đường thuộc địa số 1 (quốc lộ 1A) để nối với các tỉnh từ bắc vào nam, mỗi cung đường chừng 20 - 30 cây số là một dịch trạm, có phu trạm ứng trực để chuyển đệ công văn, chiếu chỉ từ kinh thành đến tỉnh… Có đến 12 dịch trạm kéo dài từ địa đầu tỉnh là trạm Vĩnh Hảo (Tuy Phong) đến trạm Thuận Biên thuộc đất tỉnh Biên Hòa đều chọn chữ đầu là Thuận… Tỉnh Ninh Thuận giáp ranh phía bắc của Bình Thuận cũng lấy chữ Ninh đứng đầu của tên các trạm. Trạm cuối cùng của tuyến đường quan báo Bình Thuận là trạm Thuận Biên. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Trạm này nguyên trước đây thuộc tỉnh Bình Thuận. Trong niên hiệu Tự Đức cho thuộc tỉnh Biên Hòa, đổi tên là trạm Mộc Xuyên” (tức Xuyên Mộc).
Địa danh Cù Mi ngày nay chỉ còn với xứ đạo Cù Mi trên đất thôn Hiệp Hòa, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân. Và gần đó là thôn Phò Trì của người Chăm… Đó là dấu tích của vùng đất Cù Mi Thượng, Cù Mi Hạ dọc dài theo tuyến đường quan báo đi ngang có trạm Thuận Phương, Thuận Biên từ sông Kô Kiều đến đất Xuyên Mộc chỉ còn trong ký ức. Sự biến đổi hay tiêu vong của một địa danh cũng là điều tất yếu trong quá trình phát triển xã hội. Tên gọi Cù Mi, Phù My… có từ hai trăm năm đã thấm đậm trong tình cảm và sự quần tụ hội nhập của cư dân qua những thăng trầm theo dòng lịch sử đất nước.
(1)- Sách Nam Kỳ địa hạt Tổng Thôn danh hiệu mục lục - của Nguyễn Đình Đầu dịch - chú thích.
(2)- Quyết định số 763/TTg ngày 22/11/1995 của Thủ tướng Chính phủ.