Đại biểu Nguyễn Hữu Thông: Tăng ứng dụng phát triển khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước

26/10/2023, 14:13

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại hội trường, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho rằng dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định mới so với Luật Tài nguyên nước 2012, trong đó có nhiều nội dung quy định xuất phát từ thực tiễn quản lý tài nguyên nước trong thời gian qua, cũng như vấn đề về tài nguyên nước hiện nay và trong thời gian tới.

261020230941-nguyen-huu-thong.jpeg
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông thảo luận tại hội trường sáng nay 26/10.

Bày tỏ quan tâm về vấn đề phát triển khoa học, công nghệ trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống khắc phục tác hại do nước gây ra (Điều 6), đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung việc nghiên cứu giải pháp công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt để tạo lập tiềm năng nguồn nước cũng như bảo đảm an ninh nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhất là người dân ở các đảo, quần đảo của chúng ta vào điểm g, khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật.

Về Bảo vệ nguồn nước mặt (Điều 21), đại biểu Nguyễn Hữu Thông thống nhất như Điều 21 của dự án luật đã thể hiện đầy đủ những quy định mang tính nguyên tắc về bảo vệ nguồn nước mặt và thể hiện rõ 2 ý về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, chống ô nhiễm nguồn nước và phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, chủ động tích cực lưu giữ nguồn nước mặt và duy trì dòng chảy bảo đảm lưu thông dòng chảy. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cần bổ sung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí để quản lý tài nguyên nước, tăng cường công tác hậu kiểm để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước. Nội dung này đại biểu đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Tại Điều 24: Về dòng chảy tối thiểu, theo quy định tại khoản 2 “Dòng chảy tối thiểu” là căn cứ, cơ sở để xem xét trong quá trình thẩm định, quyết định nhiều nhiệm vụ quan trọng như Quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy trình vận hành hồ chứa, việc cấp giấy phép,... Như vậy, việc xác định “Dòng chảy tối thiểu” phải triển khai làm trước. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, trong dự thảo Luật không quy định thời gian nào phải làm, phải xong và thời gian công bố cũng như các phương pháp, công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến việc xác định dòng chảy ở mức bao nhiêu được gọi là thấp nhất tại các sông suối liên quốc gia, liên tỉnh, nội tỉnh, hồ chứa, đập dâng,... Dự thảo luật chỉ mới quy định về việc rà soát, điều chỉnh dòng chảy tối thiếu được thực hiện 5 năm/lần. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về thời gian hoàn thành, công bố dòng chảy tối thiểu; phương pháp, công cụ, quy chuẩn liên quan đến việc xác định dòng chảy tối thiểu.

Góp ý về vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất (Điều 39), đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng với tình hình hạn hán, thiếu nước ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, việc bổ sung nhân tạo nguồn nước dưới đất là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, dự thảo Luật đã quy định: “Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích, trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các hải đảo, vùng khan hiếm nước và các vùng có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục, hạ thấp quá mức.”. Đại biểu thấy rằng quy định việc ưu tiên đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo cho các tầng chứa nước là cần thiết và phù hợp để thu hút đầu tư, thúc đấy phát triển kinh tế, xã hội tại những vùng thiếu nước, đặc biệt là vùng hải đảo mà điều kiện nguồn nước khan hiếm. Tuy nhiên, đối với việc thu hút được các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất thì cần có cơ chế, chính sách ưu đãi để có thể thu hút được nguồn lực của tư nhân.

Trước mắt, theo đại biểu, Nhà nước nên ưu tiên đầu tư việc xây dựng công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các khu vực hải đảo, khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế lớn nhưng lại thuộc vùng khan hiếm nước, nguồn nước tự nhiên không đủ đáp ứng cho các hoạt động phát triển. Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, cần nghiên cứu để có các quy định, hướng dẫn cụ thể cho hoạt động bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại Nghị định hoặc Thông tư.

THU HÀ

Related articles
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Chuyển tải đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri tới diễn đàn Quốc hội
Sáng nay (23/10), Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 6 tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Để cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt, theo dõi hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tại kỳ họp, Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XV.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông: Tăng ứng dụng phát triển khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước