Cựu chiến binh cùng nhau làm kinh tế giỏi

13/01/2022, 06:19

BT- Sau 5 năm (2016 - 2021) thực hiện phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh đã chứng minh được tinh thần vượt khó vươn lên của hội viên. Phong trào trở thành động lực quan trọng, góp phần xây dựng Hội vững mạnh và tham gia thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

ccb-htb-ban-giao-mad-.111.jpg
Hội CCB Hàm Thuận Bắc bàn giao “Nhà mái ấm đồng đội” cho hội viên.

Khuyến khích hội viên làm kinh tế

Nghị quyết Đại hội lần thứ 6 Hội CCB tỉnh nhiệm kỳ 2017 - 2022 xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác kinh tế là động viên CCB nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp. Tham gia tích cực và có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương. Nêu cao phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, tự lực tự cường, dám nghĩ dám làm, các cấp Hội chủ động tổ chức cho hội viên học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, định hướng phát triển kinh tế theo hướng khu gia đình, gia trại, trang trại, nghề rừng, kinh tế biển, nuôi trồng thủy, hải sản, dịch vụ… Đối với hội viên CCB ở miền núi ưu tiên đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, chăm sóc bảo vệ rừng, trồng cao su, cây tiêu...

Cùng với đó, các cấp ủy chỉ đạo khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nâng tổng số tiền dư nợ ủy thác đến nay lên trên 569 tỷ đồng cho gần 4.300 hộ được vay. Vốn giải quyết việc làm Trung ương Hội cấp 581 triệu đồng, giải quyết cho 30 hội viên vay thực hiện dự án nhỏ. Ngoài ra còn vay của các tín dụng khác và huy động vốn trong hội viên không lãi hoặc lãi suất thấp số tiền gần 10 tỷ đồng… Nhờ đó hoạt động của phong trào CCB làm kinh tế đang phát huy hiệu quả, tiếp tục đứng vững cả về số lượng và mô hình.

Ông Trần Minh Bảy - Phó Chủ tịch phụ trách Hội CCB tỉnh đánh giá: Các mô hình kinh tế do CCB làm chủ hoạt động đa dạng, phong phú ở nhiều lĩnh vực. Điều đáng khen là trong 2 năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng hàng trăm mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hộ gia đình CCB đang sản xuất kinh doanh vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển. Các mô hình kinh tế đã góp phần thay đổi từ tư duy sản xuất, làm kinh tế đơn thuần của CCB sang kinh tế thị trường, hàng hóa, lấy chất lượng là mục tiêu phát triển, tạo thương hiệu thích ứng với thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời các mô hình kinh tế trên cũng phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, đời sống ở cơ sở.

Phát huy tinh thần đồng đội

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau”, hội viên CCB xác định rõ nhiệm vụ, tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp.

Xác định năng lực và nguồn vốn của hộ nghèo thường yếu và thiếu nên các cơ sở Hội lựa chọn phương thức đầu tư cho họ những dự án nhỏ nhưng hiệu quả cao, vốn quay vòng nhanh. Điển hình Hội CCB huyện Phú Quý bám sát thực tế, có sổ theo dõi hộ CCB nghèo của từng thôn, tổ chức thực hiện hỗ trợ giúp hội viên giảm nghèo theo kế hoạch hàng năm. Còn Hội CCB huyện Đức Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Bắc Bình động viên hỗ trợ cây, con giống hoặc cho vay một khoản tiền để đầu tư vào sản xuất không tính lãi. Ngoài ra, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây và sửa được 111 nhà “Mái ấm đồng đội”, nhận đỡ đầu 31 hộ nghèo. Từ chỗ coi trọng giảm nghèo về đời sống vật chất, nay công tác giảm nghèo tiếp cận đa chiều và toàn diện hơn, chú trọng nâng cao đời sống tinh thần.

Ông Trần Minh Bảy tự hào chia sẻ, khi kinh tế của hội viên ổn định, họ trở thành những hạt nhân tích cực trong các phong trào, cuộc vận động ở địa phương góp phần tăng cường đoàn kết, gắn bó tình đồng đội. Tiêu biểu các cấp hội đã vận động hội viên hiến trên 4.900 m2 đất, đóng góp trên 3,3 tỷ đồng, tham gia tu sửa làm mới trên 25,5 km đường bê tông giao thông nông thôn. Ngoài ra đóng góp làm đường ánh sáng nông thôn, camera an ninh, góp phần cùng địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ môi trường trong khu dân cư, giám sát thực hiện mở sổ theo dõi hoạt động vay vốn, ủng hộ phòng chống dịch bệnh, chăm lo cho đối tượng chính sách và các hoạt động nghĩa tình khác.

Hiện toàn Hội có 28 doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút gần 500 lao động, tăng 4 lần so năm 2016. Có 2 hợp tác xã, 22 tổ hợp tác sản xuất, 58 trang trại, 362 gia trại, 32 hộ kinh doanh dịch vụ. Trong đó, 16 trang trại và doanh nghiệp có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, 39 trang trại và doanh nghiệp có doanh thu từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, số còn lại dưới 500 triệu đồng/năm.

THÙY LINH

Related articles
Trao  nhà “tình nghĩa quân - dân”
BTO- Sáng ngày 25/11, Đại diện Đảng ủy Phòng Hậu cần, Phòng kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh, cùng Ban CHQS huyện Hàm Thuận Bắc; Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thị trấn Ma Lâm tổ chức lễ trao nhà “Tình nghĩa Quân-Dân” cho gia đình ông Nguyễn Ngọc Hùng tại thôn Nà Bồi, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu chiến binh cùng nhau làm kinh tế giỏi