Công nghiệp năng lượng: Bắt đầu cho hành trình chuyển đổi xanh

25/01/2024, 18:40

Chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần trở thành xu hướng chủ đạo trên toàn thế giới. Đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam và Bình Thuận có thể tham gia đóng góp tích cực thông qua tiềm năng, lợi thế “trời ban” mà đặc biệt là điện gió ngoài khơi…

Từ sự kiện toàn cầu

Trước khi khép lại năm 2023, một sự kiện quy mô toàn cầu là Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) đã diễn ra tại UAE. Đây được xem là hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới lớn nhất trong lịch sử với sự tham dự của gần 140 lãnh đạo cấp cao và khoảng 90.000 đại biểu đến từ các nước… Với bài phát biểu quan trọng, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tiếp tục khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời cho biết Việt Nam mong muốn thu hút các khoản đầu tư lớn và chất lượng hơn nữa trong phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng trước bối cảnh “hệ thống khí hậu toàn cầu đang tiến gần đến giới hạn đỏ”…

z4954683395093_9abf43611b115352cbf88e44d17e993d.jpg
z4954683647498_deae1d49944019d5c52aa98e10e74f5e.jpg

Bình Thuận được đánh giá có tiềm năng thu hút đầu tư phát triển trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của Việt Nam (Ảnh minh họa).

Cũng tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp đại diện lãnh đạo của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners - CIP (Đan Mạch) và Tập đoàn Enterprize Energy - EE (Anh). Thông tin này được giới chuyên ngành đặc biệt quan tâm vì CIP là tập đoàn năng lượng xanh lớn nhất thế giới, còn EE hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên biển và phát triển năng lượng… Đáng chú ý, cả 2 “ông lớn” đều đặt niềm tin tại Việt Nam mà cụ thể là hướng về Bình Thuận, nơi CIP đang phối hợp để nghiên cứu phát triển Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (công suất 3,5 GW - tương đương 3.500 MW) với tổng vốn đầu tư dự kiến 10,5 tỷ USD… Trong khi EE hợp tác với Societe Generale (Pháp), Vestas (Đan Mạch), ODE (Anh) nhằm phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind cũng trên vùng biển Bình Thuận. Được biết dự án này gồm 2 cấu phần: Thăng Long Wind để kết nối lưới điện quốc gia (công suất 3.400 MW) với tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD và Thăng Long Wind 2 hướng tới sản xuất, xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước (công suất 2.000 MW) có tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.

z4646910430999_3a303918fb700111cfc666d8f8df32b5.jpg

Ký kết Biên bản ghi nhớ nhân dịp tổ chức Hội thảo “Bình Thuận: Triển vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi nhằm thúc đẩy kinh tế biển”.

Bắt đầu một hành trình…

Khai thác điện gió ngoài khơi hiện là hướng đi mới của phát triển năng lượng tái tạo, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng theo xu hướng toàn cầu. Trong khi điện gió ngoài khơi - nguồn năng lượng không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính được kỳ vọng sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng cho việc thực hiện thành công mục tiêu cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.

Tại Bình Thuận gần đây cũng ghi nhận hàng loạt đề xuất thực hiện nghiên cứu khảo sát của các tổ chức trong lẫn ngoài nước về phát triển điện gió ngoài khơi với công suất dự kiến khoảng hơn 44 GW… Năm vừa qua, địa phương còn là nơi được chọn phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bình Thuận: Triển vọng phát triển ngành điện gió ngoài khơi nhằm thúc đẩy kinh tế biển”. Đây là dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu được đúc kết từ quá trình phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trên khắp thế giới, tiềm năng phát triển lĩnh vực này tại địa phương.

Theo ông Stuart Livesey - Đại diện của CIP tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn thì Bình Thuận là một trong những khu vực có tiềm năng gió tốt nhất ở nước ta... Cùng chung nhận định, nhiều ý kiến cũng cho rằng Bình Thuận có điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư để trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của Việt Nam và cả khu vực… Nhân sự kiện diễn ra bên bờ lộng gió, CIP cùng với một tập đoàn trong nước đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thi công chế tạo móng monopile và kết cấu thép cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Đây thực sự là bước đầu đánh dấu sự hợp tác khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi ở nước ta, qua đó chung sức hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng thông qua khai thác nguồn năng lượng sạch từ gió trời…

Hướng đến hiệu quả cao

Trao đổi vấn đề này, lãnh đạo ngành Công Thương Bình Thuận cho biết Quy hoạch điện VIII đã xác định đến năm 2030 công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong cả nước đạt khoảng 6.000 MW. Mặc dù vậy, quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý, còn định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 - 91.500 MW. Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII cũng định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác để sản xuất năng lượng mới như hydro, amoniac xanh… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên với đặc thù riêng, điện gió ngoài khơi cần có chính sách, quy định về chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ… nhằm khai thác mang lại hiệu quả cao theo hướng bền vững. Vấn đề còn lại là phát triển điện gió ngoài khơi phải đảm bảo hài hòa lợi ích với các hoạt động vận tải biển, đánh bắt hải sản, du lịch, bảo tồn hệ sinh thái… để cùng tồn tại song song trên cùng một vùng biển. Còn với Bình Thuận rất ủng hộ nhà đầu tư lớn, có năng lực tài chính, kinh nghiệm đến triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại nơi đây…

Bình Thuận sở hữu đường bờ biển dài 192 km, diện tích vùng biển hơn 20.200 km2 được xem là địa phương có tiềm năng về năng lượng gió thuộc loại cao nhất trong cả nước. Cụ thể: Tốc độ gió trung bình trên bờ tại nơi đây là 6,8 m/s, còn tốc độ gió trung bình trên vùng biển đạt khoảng 8 - 14 m/s và thường ổn định, nên rất phù hợp cho đầu tư phát triển điện gió, kể cả trên bờ lẫn ngoài khơi…

QUỐC TÍN

Related articles
Triển khai nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
BTO-Trong phiên họp ngày 6/12 của kỳ họp thứ 19 - HĐND tỉnh khóa XI đã thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023; bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghiệp năng lượng: Bắt đầu cho hành trình chuyển đổi xanh