Con đường tự chủ tài chính trong y tế Bài 2: Quyết định vẫn là sự năng động, sáng tạo của các đơn vị

31/08/2024, 10:37

BTO-Tự chủ tài chính là tất yếu, khách quan, là điều kiện quan trọng và cần thiết để các đơn vị phát huy được nguồn lực, sự năng động, sáng tạo trong hoạt động và quản lý, cụ thể là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần tăng nguồn thu, đảm bảo đời sống cán bộ viên chức và người lao động.

kham-tai-bv-lagi.jpg
Khám bệnh cho bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi.

Như điểm nương tựa

Dứt năm đầu tiên thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 60, vào cuối tháng 1/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy(khóa XIV) đã có cuộc họp để nghe báo cáo và cho ý kiến về Đề án phát triển ngành y tế tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án) theo Tờ trình số 305-TTr/BCSĐ, ngày 08/11/2023 của Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh. Sau khi ghi nhận sự đóng góp trong chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân của ngành y tế của tỉnh cùng những khó khăn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án nhằm khắc phục khó khăn, phát triển ngành y tế đáp ứng tốt công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân là rất cấp thiết.

Điều đó có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Đồng thời việc xây dựng Đề án đã được xác định trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Chương trình công tác của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2023.

Sự xác định có tính hệ thống trên cũng đã thể hiện sự quyết tâm trong tháo gỡ khó khăn mang tính đồng loạt của các đơn vị y tế. Vì vậy, Đề án được Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng bám sát tình hình thực tế, nhiều lần lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, ý kiến phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và tham khảo kinh nghiệm của một số tỉnh bạn. Và trong cuộc họp Ban Thường vụ này, Đề án được tiếp tục có ý kiến góp ý để hoàn chỉnh, trong đó lưu ý thêm một số vấn đề. Đó là phải tập trung thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động y tế với quan điểm y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế chuyên sâu là nền tảng để phát triển vững chắc hệ thống y tế, xây dựng mạng lưới y tế vùng, rộng khắp, gần dân; đảm bảo cho người dân được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, được chăm sóc, nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ chuyển tuyến. Phấn đấu đến năm 2030, các chỉ tiêu về giường bệnh, bác sĩ/vạn dân bằng trung bình chung của cả nước.

Bên cạnh, cũng phải xác định giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nợ vật tư y tế, sinh phẩm, bảo hiểm y tế… Chủ động bố trí ngân sách nhà nước kết hợp với thu hút tối đa các nguồn lực của xã hội để đầu tư cho y tế. Và điều chú ý là phải tính toán lộ trình để đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa một số trung tâm y tế, trạm y tế, bệnh viện tuyến tỉnh. Từng bước hiện đại cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng đội ngũ nhân lực ngành y tế hướng đến cung ứng dịch vụ y tế chất lượng cao. Song song xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể phát triển nguồn nhân lực y tế, thu hút, đào tạo đội ngũ bác sĩ đa khoa, chuyên khoa có trình độ chuyên môn cao để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân...

Hiện Đề án đang được hoàn chỉnh và sẽ ban hành trong thời gian không xa nữa. Theo đó, câu chuyện khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất, con người mà 20 đơn vị sự nghiệp công nêu sẽ được giải quyết theo nhu cầu bứt thiết giảm dần của từng nơi trong thời gian phù hợp với nguồn vốn từ ngân sách. Điều đó được ví như là nơi nương tựa trong hành trình bước trên con đường tự chủ tài chính vốn được xem là phù hợp với xu hướng hiện nay nhưng cũng đầy áp lực với các đơn vị, nhất là trong công tác khám chữa bệnh.

khoa-ngoai-san-lagi.jpg
Khoa Ngoại - Sản tại tại Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi.

Hỗ trợ cho tăng thu

Cơ sở vật chất và nguồn nhân lực là 2 vấn đề chính góp phần quyết định lượng khách hàng đến khám chữa bệnh, quyết định tăng thu. Nhưng đó cũng chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là những chính sách liên quan ảnh hưởng đến tăng thu. Những giải pháp được đề xuất trong giai đoạn 5 năm tới của Sở Y tế Bình Thuận cho thấy điều đó. Cụ thể, Bộ Y tế sớm điều chỉnh Giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí kết cấu trong giá bao gồm thêm: Chi phí khấu hao tài sản cố định; Chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học; Chi phí quản lý..., đặc biệt là chi phí thuế; cập nhật kịp thời chi phí tiền lương vào cơ cấu giá dịch vụ y tế khi nhà nước tăng lương theo lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ.

Bên cạnh, kiến nghị các Bộ ngành trung ương sớm cải cách chế độ tiền lương cho viên chức, người lao động ngành y tế; tăng phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi nghề và mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi nghề để tăng đời sống vật chất, tinh thần nhân viên y tế theo quan điểm Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ chính trị: Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Đồng thời đó, Bộ Tài chính và Bộ Y tế sớm hướng dẫn giải quyết các khoản nợ đã mua sắm của các công ty tư nhân đối với các mặt hàng vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Bình Thuận; Thanh toán các khoản nợ cho đơn vị đã thu gom rác thải y tế nguy hại lây nhiễm tại các cơ sở điều trị COVID -19 và có hướng giải quyết rác nguy hại đang tồn đọng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ngoài ra, cũng đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh (BHXH) thực hiện quyết toán BHYT hàng quý đúng theo thời gian quy định của Luật bảo hiểm y tế; quyết toán vượt quỹ, vượt trần, vượt dự toán sớm, cần kịp thời để các đơn vị đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động để thực hiện cơ chế tự chủ và hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Điều đáng chú ý khác, sở cũng đề nghị cần có cơ chế riêng trong tự chủ tài chính đối với ngành y tế, xuất phát từ tính chất đặc thù là phục vụ không ngơi nghỉ và trong giai đoạn nền kinh tế đang dần ổn định sau đại dịch. Thế nên, giao mức độ tự chủ tài chính cho các đơn vị ngành y tế (nhất là các Trung tâm y tế) cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Song song đó, hiện sở đang đẩy mạnh các điều kiện để Bình Thuận triển khai Thông tư 13/2023 của Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp. Đây là cơ sở để các đơn vị tăng nguồn thu, vì đây là giá dịch vụ theo yêu cầu. Ông Đặng Thức Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận thông tin vậy.

khoa-cap-cuu-lagi.jpg
Góc khám của khoa Cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi.
khoa-cap-cuu-lagi-1.jpg
Một góc của khoa Cấp cứu tại tại Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi.

Giải bài toán tăng thu, giảm chi

Những giải pháp chung đã được tính tới, vấn đề đặt ra trong tăng nguồn thu qua từng giải pháp cụ thể, qua tìm hiểu cho thấy các cơ sở y tế trong tỉnh đều đã nằm lòng. Đó là cần triển khai thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, hiện đại, chuyên sâu đáp ứng được nhu cầu KCB của nhân dân tại địa phương, giảm số lượng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Đó là mở rộng các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh theo nhu cầu. Mở rộng và tăng quy mô năng lực cung cấp dịch vụ. Sắp xếp và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, nhân lực để tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng nhiệm vụ. Rồi tìm kiếm, mở rộng hợp tác chuyên môn với các tổ chức, đơn vị, bệnh viện, chuyên gia bạn trong và ngoài nước. Thêm nữa, bổ sung nhân lực đặc biệt đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi. Song song, các sở, ban, ngành tạo thuận lợi đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn lực nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh, tăng nguồn thu, tạo điều kiện, môi trường, xây dựng các chính sách thu hút nguồn nhân lực bác sĩ về địa phương làm việc. Tiếp nữa là tiếp tục quảng bá bệnh viện đến với mọi đối tượng có nhu cầu tư vấn và khám chữa bệnh bằng nhiều kênh, nhiều hình thức, nội dung. Đồng thời khai thác dịch vụ như: khám sức khoẻ định kỳ, khám sức khoẻ lái xe, khám sức khoẻ xuất khẩu lao động…

Song song đó, các đơn vị cũng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua hàng loạt giải pháp cụ thể. Như tiết kiệm vật tư thông dụng, vật tư tiêu hao, khoán điện thoại, tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, tiếp khách. Tăng cường kiểm tra nhắc nhở thường xuyên, đồng thời có những biện pháp thưởng phạt nghiêm minh từng bước tăng thu, tiết kiệm chi. Ngoài ra, còn phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ký cam kết thi đua, có kế hoạch và thành lập đoàn kiểm tra, nhắc nhở hàng tháng… Điều đáng chú ý, giải pháp bao trùm để thực hiện tốt những giải pháp riêng lẻ trên quyết định vẫn từ sự năng động, sáng tạo của ban lãnh đạo bệnh viện, của cấp ủy, Đảng ủy trong vai trò hạt nhân đề ra và quyết định hướng đi phù hợp với đơn vị mình, địa phương mình.Thực tế, ngay thời điểm hiện tại cho thấy việc chuyển đổi trong tự chủ tài chính ở nhóm 2 của Bệnh viện Đa khoa La Gi ít nhiều chứng minh điều đó. Dù trong bối cảnh đơn vị có nhiều y bác sĩ sang tư, bị thiếu nhân lực cùng hàng loạt khó khăn, vướng mắc chung toàn ngành như đã nêu, bủa vây nhưng năm 2023, tình hình tự chủ tài chính của bệnh viện được xem là đang dẫn đầu trong tỉnh. Ngoài trả lương đủ cho 354 lao động, bệnh viện còn có quỹ chi thu nhập tăng thêm trong năm là 3,143 tỷ đồng. Theo đó, người có thu nhập tăng thêm cao nhất của đơn vị là 14 triệu đồng/ tháng, người có thu nhập tăng thêm thấp nhất là 7 triệu đồng/tháng.

sieu-am-tai-bv-lagi.jpg
Siêu âm cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi.

Tất nhiên, Bệnh viện Đa khoa La Gi có cách đi riêng phù hợp. Cũng thế, chắc chắn kết quả của tự chủ tài chính trong thời gian tới sau khi có sự tiếp sức từ “điểm nương tựa” lẫn hỗ trợ của chính sách, của các đơn vị sẽ không như nhau. Phải nhìn nhận rằng thực hiện điều đó đến đâu là thể hiện thước đo sự năng động, sáng tạo của các cấp lãnh đạo ở các đơn vị. Nhất là trong kết luận của Ban Thường vụ khóa XIV có gợi ý về nghiên cứu phát triển mô hình du lịch y tế để cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cho du khách quốc tế theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV). Nếu làm tốt, đây là 1 hình thức góp vào tăng thu hiệu quả nhất cho các đơn vị.

Chung quy, đó là bước chuyển tư duy, nhận thức của đội ngũ lâu nay vốn chỉ dừng ở tinh thần phục vụ không ngơi nghỉ của nghề y, làm việc bất chấp ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ tết, lúc dịch bệnh, nên chưa hoặc ít bao giờ nghĩ đến một ngày rơi vào “trận chiến” tự chủ tài chính.  Nhưng đó là tất yếu, khách quan, là điều kiện quan trọng và cần thiết để các đơn vị phát huy được nguồn lực, sự năng động, sáng tạo trong hoạt động và quản lý, cụ thể là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần tăng nguồn thu, đảm bảo đời sống cán bộ viên chức và người lao động. Qua đó, cũng quyết định việc bố trí cán bộ phải “chất” và có “trình” để thích nghi gánh vác việc lớn nên vai trò của Đảng lãnh đạo ở đây quan trọng hơn bao giờ hết.

Bài 1: Bước chuyển dài theo Nghị định 60

TRANG MINH

Related articles
Báo Bình Thuận làm việc với Báo Lào Cai về thực hiện cơ chế tự chủ, Nhà nước đặt hàng
Ngày 25/7/2023, Đoàn công tác Báo Bình Thuận do Phó Tổng Biên tập Bùi Thanh Quang làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc với Báo Lào Cai.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Con đường tự chủ tài chính trong y tế Bài 2: Quyết định vẫn là sự năng động, sáng tạo của các đơn vị