Có một “vùng đất mới” Nam Hà

22/08/2023, 05:19

Chỉ hơn 1 năm sau khi bình thường mới, hàng loạt công trình xuất hiện, tập trung vào an sinh xã hội khiến vùng giáp ranh hoang vắng này trở thành vùng đất mới đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đó là cuộc sống mới có được từ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ chuyển đổi nghề với thu nhập cao hơn và mức sống tốt hơn của người dân vùng nông nghiệp…

Bệnh viện Shing Mark đã vào

Đầu tháng 8/2023, khi Nhà máy giày Nam Hà Việt Nam đã được thi công xong giai đoạn 1, chuẩn bị đón hơn 7.000 công nhân vào làm việc tại Cụm công nghiệp Nam Hà (xã Đông Hà - Đức Linh) thì Công ty TNHH MTV Bệnh viện Đại học y dược Shing Mark cũng đã quyết định thuê hạ tầng và các công trình của Trạm y tế Nam Hà để làm phòng khám chữa bệnh. Mục đích nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại các cụm công nghiệp xã Đông Hà, nhân dân ở khu vực huyện Đức Linh và các địa phương lân cận. Điều đáng chú ý, Công ty TNHH MTV Bệnh viện Đại học y dược Shing Mark, viết tắt BV ĐHYD Shing Mark, có tổng giám đốc cũng là chủ đầu tư đến từ Đài Loan (Trung Quốc), đúng 10 năm trước đã đầu tư dự án Bệnh viện Shing Mark tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với khoảng 1.500 giường bệnh. Sau đó, đầu tư phòng khám chữa bệnh tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Và gần đây, sau khi tìm hiểu, BV ĐHYD Shing Mark đã quyết định thuê hạ tầng và các công trình của Trạm Y tế Nam Hà để tiếp tục mở rộng mạng lưới chữa bệnh. Vì nhận ra cơ sở có ưu thế gần các cụm công nghiệp, nơi theo kế hoạch kinh doanh sẽ đón hơn 40.000 người, trong đó ngoài công nhân ra còn có nhà đầu tư và các chuyên gia nước ngoài.

chnh-n.-lan-3-.jpg.jpg
Chợ Nam Hà, Đức Linh. Ảnh: N.Lân

Vì vậy, chủ bệnh viện Shing Mark chấp thuận cam kết rất rõ ràng trong hợp đồng ký kết với bên cho thuê trạm y tế là đơn vị đầu tư hạ tầng, Công ty TNHH Nam Hà – Đức Linh. Cụ thể như toàn bộ nhân viên bao gồm bác sĩ, điều dưỡng làm việc tại phòng khám phải đảm bảo có chứng chỉ hành nghề chuyên môn đúng theo quy định của Luật Khám chữa bệnh và Pháp luật Việt Nam; có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện và năng lực chuyên môn; đảm bảo xây dựng, các trang thiết bị đủ tiêu chuẩn để phục vụ khám và chữa bệnh…

Đáp ứng đa mục tiêu

Trong thời gian này, các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư về giáo dục, về thương mại dịch vụ cũng đã về đây xúc tiến đàm phán thuê mặt bằng. Sức hút đó trong bối cảnh hiện tại cũng dễ lý giải. Bởi khi có sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn, lại có vốn nước ngoài thì bao giờ cũng kéo các nhà đầu tư có liên quan theo về một cách mặc nhiên. Hơn thế, ở đây không chỉ các cụm công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh mà các khu dân cư kề bên, mang trọng trách an cư cho công nhân cũng đã xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh theo tỷ lệ 1/500 với đầy đủ các hạng mục như đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, cây xanh… và các công trình công cộng như công viên thể dục thể thao, trường học, trạm y tế, khu phức hợp mua sắm, khu dịch vụ ăn uống, shophouse… khang trang và hiện đại.

Quang cảnh trên khiến những ai từng biết trước đó nơi đây là vùng trồng cao su giáp ranh với Xuân Lộc (Đồng Nai) vốn heo hút, giờ phải ngỡ ngàng với sự đổi thay nhanh như mới hôm qua. Thực tế đúng là nhanh. Vì năm 2020, nơi đây dù có vài công trình mọc lên, tuy nhiên chưa xua hết sự hoang vắng vốn có của vùng giáp ranh. Tiếp liền đó là dịch Covid – 19 kéo dài sang đầu năm 2022, thế nhưng đến nay, dễ chừng chỉ hơn 1 năm bình thường mới, nơi đây đã có dáng dấp của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đây, việc sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp tại các cụm công nghiệp này theo đà đi vào hoạt động lần lượt bắt đầu từ quý IV năm nay và nhiều dần vào đầu năm 2024, góp phần giúp tỉnh tự chủ ngân sách vào năm 2025. Bên cạnh đó, với hàng loạt công trình mang tính an sinh xã hội xuất hiện khiến vùng giáp ranh này đã thành vùng đất mới đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đó là cuộc sống mới có được từ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ chuyển đổi nghề với thu nhập cao hơn và mức sống tốt hơn của người dân vùng nông nghiệp.

Theo Công ty TNHH Nam Hà – Đức Linh, trong giai đoạn dịch Covid - 19, công ty vẫn triển khai thực hiện các công trình theo kế hoạch trong điều kiện có thể. Nhờ vậy, khi hết dịch đẩy nhanh hơn việc thi công các công trình hạ tầng phục vụ các cụm công nghiệp, khu dân cư nên bây giờ đã hoàn chỉnh như đã thấy. Điều đó thêm điểm mạnh, điểm thu hút, nhất là với đầu tư nước ngoài vốn thường chú trọng an sinh cho công nhân. Hiện tại, điện, nước sinh hoạt ở đây đều đang bắt từ Đồng Nai về nên chưa bảo đảm. Với sự hỗ trợ của UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan như Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải…công ty đang xây dựng nhà máy nước sinh hoạt và cũng đang xây dựng trạm biến áp 110kV nhằm chủ động phục vụ tốt cho sản xuất, sinh hoạt ở đây. Còn đường Z30 A cũng sẽ được mở rộng mỗi bên 3 m vào đầu năm 2024 để bảo đảm cho giao thông thông suốt của vùng công nghiệp.

HẢO CHI

Related articles
Chung tay làm sạch môi trường biển Hàm Tiến – Mũi Né
BTO-Những ngày qua, rác đại dương lại tấp vào khu du lịch Hàm Tiến, phường Hàm Tiến (TP.Phan Thiết) tạo nên hình ảnh không đẹp trong mắt du khách khi tắm biển. 

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có một “vùng đất mới” Nam Hà