Chuyện quản lý: Nợ dân một lời giải thích!

03/08/2023, 05:16

Đó là câu chuyện đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây bị ngập ở đoạn xã Sông Phan, Hàm Tân hôm 28 - 29/7. Có nơi ngập sâu đến 1m khiến giao thông bị tắc nghẽn nghiêm trọng trong nhiều giờ liền.

Cao tốc mới đưa vào vận hành hơn 2 tháng nhưng đã bộc lộ điểm yếu ngay từ đầu mùa mưa đó là ngập đường. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là các ngành chức năng vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân chính thức: Vì sao cao tốc bị ngập. Một số đơn vị còn đổ lỗi do mưa lớn nên chẳng thuyết phục được dân với công trình trên 12.500 tỷ đồng.

Mực nước Sông Phan lúc bình thường.

Tại cuộc họp hôm 31/7 giữa các đơn vị liên quan đến tuyến cao tốc, sau nhiều ý kiến trao đổi như làm cao tốc chưa áp dụng thông số đỉnh lũ ở địa phương chính xác, đơn vị thiết kế cao tốc đã trả lời “trớt quớt” là đã lấy thông số đỉnh lũ cao nhất ở năm 1992. Ngay lập tức ông Nguyễn Đình Hoan – Chủ tịch UBND xã Sông Phan, nơi có đoạn cao tốc đã phản biện: Lũ ở sông Phan cao nhất là năm 1999 chứ không phải năm 1992. Bị hớ trầm trọng, đơn vị thiết kế cao tốc lại quay sang đưa ra nguyên nhân là do người dân trồng cây lấn vào dòng chảy kênh thoát nước nên mới gây ngập… Nguyên nhân này ngay lập tức được Sở Nông nghiệp – PTNT phản biện rằng nguyên nhân này chưa có tính khoa học khi chưa được khảo sát cụ thể… Một vấn đề khác là cống, kênh thoát nước 2 bên cao tốc không được khơi thông kịp thời khi có mưa lớn thì khả năng cao tốc sẽ còn bị ngập ở nhiều đoạn khác…

Kênh thoát nước khu vực cao tốc bị ngập.

Trong suốt một buổi các đơn vị liên quan phân tích tìm nguyên nhân đoạn cao tốc bị ngập. Có một câu hỏi rất hay về chuyên môn và đúng trọng tâm mà ông Huỳnh Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đã đặt ra là: Vì sao đoạn cao tốc ở nơi vị trí bị ngập lại võng xuống rất thấp so với các đoạn khác? Câu hỏi đã khiến 2 đơn vị liên quan là Ban Quản lý Thăng Long và đơn vị thiết kế cao tốc “ngớ người” không trả lời được. Ông Đặng Hồng Thái – Giám đốc Ban Quản lý Thăng Long đành xin được trả lời câu hỏi này sau bằng văn bản khi đơn vị thiết kế đo đạc lại…

Giải pháp cấp bách trước mắt hiện nay là khơi thông dòng chảy các con suối, kênh mương nằm sát đường cao tốc nhằm khi có mưa to nguồn nước được thoát kịp thời. Đồng nghĩa với việc nước sẽ không “lùa” vào cao tốc, tránh việc cao tốc “tái” ngập. Còn với nguyên nhân sâu xa thì các đơn vị liên quan, cụ thể là Ban Quản lý Thăng Long vẫn còn nợ với người dân, nhất là một lời giải thích và xin lỗi!

TRẦN THI

Related articles
Bàn biện pháp khắc phục ngập nước trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây
BTO-Chiều 31/7, ông Nguyễn Quốc Nam – Giám đốc Sở GTVT đã chủ trì cuộc họp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan để bàn giải pháp khắc phục tình trạng ngập nước trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tại lý trình Km25+419 đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân.

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện quản lý: Nợ dân một lời giải thích!