Chuyển đổi xanh, phát triển du lịch bền vững

19/08/2024, 05:07

Từ ngày 16 - 18/8 tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên diễn ra với chủ đề “Báo chí tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh” do Báo Lâm Đồng đăng cai tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của 250 đại biểu đến từ 19 cơ quan báo chí trong khu vực và đại diện 21 cơ quan báo chí trong nước. Đoàn báo Đảng Bình Thuận do Phó Tổng Biên tập Báo Bình Thuận Bùi Thanh Quang làm trưởng đoàn. Tại hội thảo, đoàn Báo Bình Thuận đã phát biểu tham luận về công tác tuyên truyền chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch theo hướng bền vững. Phóng viên Báo Bình Thuận lược lại một số nội dung nổi bật.

hoi-thao-1.jpg
Phó Tổng Biên tập Báo Bình Thuận Bùi Thanh Quang phát biểu tham luận.

Bình Thuận chuyển đổi xanh về du lịch

Năm 2023 được xem là thành công trong chuyển đổi xanh đối với ngành du lịch của tỉnh, khi Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề: “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Theo đó, lượng khách đến tỉnh Bình Thuận năm 2023 đạt 8,35 triệu lượt, với tổng doanh thu từ du lịch đạt 22.300 tỷ đồng...

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục trên hành trình phát triển du lịch xanh. Tiếp nối thành công của năm 2023, Bình Thuận có kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, tỉnh đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch xanh nhằm phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái rừng, thác, hồ, biển đảo, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe… Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đã ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng thay thế nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường, đẩy mạnh chuyển đổi số...

Đáng chú ý, dự kiến đến năm 2025, TP. Phan Thiết sẽ thực hiện thí điểm kinh tế đêm tại một số tuyến đường ven biển. Song song, Bình Thuận đang đẩy mạnh thực hiện đề án quản lý, đầu tư, khai thác các tuyến, điểm tham quan du lịch trên địa bàn TP. Phan Thiết giai đoạn 2021-2025. Mặt khác, triển khai thực hiện có hiệu quả đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Tuy Phong). Bên cạnh đó, tỉnh đang xây dựng các sản phẩm mới như tham quan hồ thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi; chinh phục "khám phá rừng" Tà Năng - Phan Dũng…

Để phát triển du lịch xanh, bền vững, thời gian qua Bình Thuận đã thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết để triển khai các dự án lớn, các khu, tổ hợp du lịch, khu vui chơi, giải trí. Song song, tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nhất là mở rộng hệ thống giao thông kết nối thông suốt đến các khu, điểm du lịch trọng tâm…

hoi-thao-2.jpg
Du lịch sôi động tại Bình Thuận. Ảnh: N. Lân.

Tuyên truyền về chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch

Thời gian qua, Báo Bình Thuận đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về định hướng phát triển du lịch xanh trên báo in và báo điện tử. Trong đó chú trọng tuyên truyền các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển các mô hình du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Báo Bình Thuận còn tập trung tuyên truyền những lợi thế về tài nguyên du lịch, những điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch khác nhau, như nghỉ dưỡng, tham quan dã ngoại, du lịch thể thao giải trí, du lịch hội nghị, du lịch tín ngưỡng gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống… Đặc biệt, Bình Thuận có lợi thế về rừng, hồ, núi, thác… rất thích hợp để xây dựng những tour du lịch “xanh” vừa gần gũi với thiên nhiên vừa mang tính độc đáo, hấp dẫn cho du khách đến tham quan và trải nghiệm. Do đó, báo Đảng địa phương tập trung tuyên truyền đến du khách thêm lựa chọn những điểm đến “xanh”. Du khách có thể khám phá bản sắc văn hóa vùng cao Bình Thuận. Cùng với đó, du lịch biển là thế mạnh của Bình Thuận. Để đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch của tỉnh, tạo cảm giác mới lạ về du lịch trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, ngành du lịch của Bình Thuận còn tổ chức thêm nhiều hoạt động nhằm đánh thức tiềm năng du lịch “xanh”, qua đó góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch mới, mời gọi du khách đến.

Với chủ đề “Báo chí tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh”, Báo Bình Thuận đã có nhiều bài viết đề cập việc các địa phương, doanh nghiệp bắt kịp xu hướng mới trong phát triển du lịch. Cùng với đó, quan tâm đầu tư hơn nữa cho sản phẩm du lịch bền vững. Các điểm đến cần tổ chức tốt dịch vụ, phát triển thêm dịch vụ mới lạ, hấp dẫn như cắm trại ngoài trời, tour khám phá thiên nhiên, xây dựng sản phẩm du lịch về rừng - hồ - thác, đánh thức tiềm năng du lịch “xanh” đưa vào khai thác phục vụ du khách, tạo đà cho sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường của ngành du lịch Bình Thuận…

Để phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của du lịch Bình Thuận, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các đơn vị liên quan đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu, uy tín, năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án quy mô lớn, các dự án tổ hợp du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp xanh - sạch - đẹp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ du lịch. Song song, chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ khách; duy trì hình ảnh du lịch Bình Thuận là điểm đến an toàn, thân thiện…

Hiện nay tại Bình Thuận, du lịch xanh, thân thiện với môi trường đang được thực hiện, điển hình như tại Phú Quý đã hình thành tour du lịch nói không với rác thải nhựa, du khách không mang chai nhựa, bịch ni lon lên đảo. Tại các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Nam các mô hình du lịch trải nghiệm miệt vườn, về với nông thôn, homestay, khám phá thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh được nhiều du khách trong, ngoài nước khám phá. Bình Thuận luôn khuyến khích phát triển ngành nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng mang đặc trưng riêng. Cũng như tiếp tục tháo gỡ vướng mắc khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, thực hiện chính sách tốt nhất, nhằm khuyến khích đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, sản phẩm đặc thù và nâng tầm tổ chức các sự kiện, lễ hội thường niên của tỉnh… Tất cả hướng đến phát triển du lịch xanh, bền vững, từng bước đưa du lịch của Bình Thuận thành ngành kinh tế mũi nhọn.

KIỀU HẰNG

Related articles
Tạo dựng thương hiệu du lịch Bình Thuận trên bản đồ Việt Nam và thế giới
Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh mà còn thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng tình hữu nghị và gìn giữ hòa bình. Bình Thuận có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch vô cùng to lớn với thiên nhiên tươi đẹp, truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng, phong phú, đa dạng, con người hiền hòa, thân thiện, cởi mở, mến khách, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi xanh, phát triển du lịch bền vững