Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề

25/04/2023, 05:46

Với sự phát triển không ngừng của khoa học & công nghệ, chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng của xã hội nói chung, lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề nói riêng. Việc áp dụng CĐS vào 2 lĩnh vực đào tạo trên mở ra phương thức dạy và học mới, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí cho người học.

Hội thảo thực trạng, giải pháp CĐS trong các cơ sở giáo dục, đào tạo do Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh phối hợp Trường Cao đẳng Bình Thuận tổ chức cuối tuần qua làm rõ hơn vấn đề này.

Xu hướng CĐS

“Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 749 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ xác định: Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy, học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy, học tập theo cả hình thức trực tiếp, trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy, học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà, kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp.

hoc-sinh-hoc-mon-tin-hoc-anh-n.-lan-2-.jpg
 Học sinh THPT thao tác trong giờ tin học (ảnh Ngọc Lân)

Tại hội thảo trên, bà Đỗ Thị Liên, đại diện Sở GD&ĐT cho hay, Sở GD&ĐT đã tiến hành tập huấn, triển khai nhiều giải pháp ứng dụng CĐS trong dạy học, quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong các giờ lên lớp, giáo viên (GV) đã sử dụng các công cụ, phần mềm, ứng dụng điện tử hỗ trợ rất nhiều trong việc giảng dạy như Classpoint, onluyen, azota, liveworksheet, quizizz… Nhiều GV đã vận dụng linh hoạt các phần mềm trên vào dạy học, tạo được hứng thú cho học sinh, nâng cao hiệu quả dạy học. Hội giảng chuyên đề “CĐS trong dạy học tiếp cận chương trình GDPT 2018” của nhiều trường được Sở GD & ĐT đánh giá cao. CĐS trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá là số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến… chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Chẳng hạn, Classpoint là công cụ hỗ trợ việc dạy học, giúp GV giảng bài khoa học, dễ hiểu hơn, xây dựng các bài tập tương tác trực tiếp với học sinh nhằm cải thiện chất lượng nội dung truyền đạt, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy, học.

hoc-sinh-hoc-mon-tin-hoc-anh-n.-lan-1-.jpg
 Học sinh tiểu học làm quen với tin học.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Chính, Trường Cao đẳng Bình Thuận cho biết: “Hiện tại toàn trường có 16 phòng thực hành tin học với 400 bộ vi tính có kết nối internet phục vụ dạy học các môn tin học, các môn chuyên môn, đào tạo nghề tin học văn phòng, kỹ thuật lắp ráp và sửa chữa máy tính, mạng máy tính. Các phòng học lý thuyết được trang bị máy chiếu projector, tivi phục vụ công nghệ thông tin giảng dạy. Nhà trường xây dựng học liệu số (như sách điện tử, thư viện điện tử, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, bài giảng điện tử, phần mềm học điện tử, phần mềm ứng dụng mô phỏng) cho giảng dạy. Công tác tổ chức dạy học một số môn học/mô đun thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Một số giảng viên đã xây dựng các bài giảng điện tử, tích hợp các video mô phỏng quá trình dạy học mô phỏng. Nhà trường nâng cấp xây dựng lại phần mềm quản lý đào tạo nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý đào tạo, khảo thí, quản lý học sinh, sinh viên, thu học phí trực tuyến”. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác ứng dụng CĐS nhập cơ sở dữ liệu trên phần mềm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh; thực hiện số hóa quá trình học tập, hoạt động dạy học có sử dụng các ứng dụng chuyên ngành…

Cần được đồng bộ

Tuy nhiên, đại diện các sở, ngành, nhà trường nhìn nhận còn hạn chế, khó khăn trong CĐS. Khó khăn hầu hết các địa phương gặp phải khi đẩy mạnh CĐS trong giáo dục là kinh phí, nhất là vùng khó khăn. Hạ tầng công nghệ thông tin các cơ sở giáo dục, trường cao đẳng, trường nghề tuy được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Phần mềm quản trị được triển khai hầu hết cơ sở giáo dục nhưng còn khó khăn kết nối chia sẻ dữ liệu, chưa phát huy hết hiệu quả công tác quản lý giáo dục. Ở Trường Cao đẳng Bình Thuận, một số học sinh, sinh viên đến từ miền núi, vùng cao, dân tộc thiểu số, năng lực tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế… Do vậy, Sở GD&ĐT kiến nghị Bộ GD&ĐT hỗ trợ thêm nguồn lực hạ tầng cho các địa phương khó khăn để thực hiện tốt các nhiệm vụ CĐS theo kế hoạch đề ra. “Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho toàn thể giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý nhà trường cao đẳng, trường nghề để hướng đến mục tiêu thực hiện thành công CĐS trong giáo dục, đào tạo nghề”, ông Lê Hữu Chính chia sẻ thêm.

THÁI KHOA

Related articles
Tuyên truyền các kênh của doanh nghiệp viễn thông trong quá trình chuẩn hoá thuê bao
BTO-Sở Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản gửi các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương, Trung tâm Thông tin Văn phòng UBND tỉnh, phòng văn hóa thông tin huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp viễn thông về việc tuyên truyền các kênh chính thức của doanh nghiệp viễn thông di động trong quá trình chuẩn hoá thông tin thuê bao.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề