Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên – môi trường

12/03/2024, 05:17

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở các lĩnh vực, các ngành. Trong xu thế đó, ngành Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ động, linh hoạt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên – môi trường.

Nhiều giải pháp mang lại lợi ích

Hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số của ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã đưa vào ứng dụng thực tiễn. Những giải pháp này không chỉ giúp cơ quan chức năng thuận tiện trong việc quản lý mà còn tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên – môi trường.

hanh-chinh.jpg
Ảnh: Đình Hòa

Phải kể đến đầu tiên đó là giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay toàn tỉnh đã có 71/124 xã đã được cập nhật, vận hành cơ sở dữ liệu quản lý đất đai và tích hợp cơ sở dữ liệu lên hệ thống để vận hành cơ sở dữ liệu theo mô hình tập trung; kết nối, liên thông với cơ quan thuế cấp tỉnh và cấp huyện để thực hiện thông báo thông tin về thuế cho người dân. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng trong công tác hành chính về đất đai và sự hài lòng của người dân, tránh thời gian đi lại nhiều lần, Văn phòng Đăng ký đất đai đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, triển khai các quy trình nội bộ các thủ tục hành chính trên phần mềm “Một Cửa” được quy định tại Quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 3/3/2023 của UBND tỉnh đồng bộ thống nhất liên thông từ cấp xã, cấp huyện đến Văn phòng Đăng ký đất đai. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện giải quyết TTHC về đất đai đã thực hiện số hóa hồ sơ đầu vào từ khẩu tiếp nhận ban đầu đối với thủ tục đất đai trên toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh. Đối với, công tác ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 (gọi là Đề án 06), Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã triển khai một số thủ tục hành chính về đất đai theo Đề án 06 như: Thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ); giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về hạn chế quyền sử dụng đất; thay đổi về nghĩa vụ tài chính...

Ngoài ra, phải kể đến giải pháp mà ngành Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện trong đầu năm 2024 đó là đưa công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh để quản lý, giám sát tài nguyên khoáng sản. Đây là công cụ cần thiết để hỗ trợ cho các nhà quản lý thuận tiện trong việc theo dõi tình hình hoạt động khoáng sản của các khu vực mỏ nằm trong quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận một cách nhanh chóng, đơn giản; cập nhật thông tin về tình hình hoạt động của các khu vực mỏ đã được cấp phép; theo dõi sự biến động về hiện trạng của các khu vực quy hoạch khoáng sản qua hình ảnh vệ tinh. Đặc biệt là giải pháp này phù hợp theo chủ trương của tỉnh về việc áp dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin, sử dụng nguồn ảnh vệ tinh để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay dự án đã triển khai tập huấn, hướng dẫn cài đặt, sử dụng đến UBND và Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố.

Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Sở đã xác định các nhiệm vụ cần ưu tiên chuyển đổi số giai đoạn 2023 – 2025 là: Xây dựng cơ sở dữ liệu Kho số lưu trữ. Trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu Kho số lưu trữ thông tin, tư liệu tài nguyên và môi trường, mua sắm bổ sung trang thiết bị và các nội dung khác có liên quan đến hạ tầng kỹ thuật kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng hệ thống thông tin môi trường, cơ sở dữ liệu môi trường tỉnh.

Để hoàn thành các nội dung liên quan đến công tác chuyển đổi số, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh rà soát, tăng số lượng thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến của Sở để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, hạn chế để người dân và doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với công chức, viên chức khi tham gia giải quyết TTHC góp phần loại bỏ chi phí không chính thức, ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt. Trong quý I/2024, Sở sẽ hoàn thành xây dựng “Ứng dụng công bố thông tin quy hoạch sử dụng đất và tra cứu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”; nâng cấp “Phần mềm quản lý hoạt động cấp phép, giám sát khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác số hóa hồ sơ từ khâu đầu vào đối với các hồ sơ mới tiếp nhận, đối với kho hồ sơ từ các năm về trước. Tiếp tục phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo ghi kinh phí đầu tư 2 Dự án cần được ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2023 – 2025 là Dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu kho số lưu trữ thông tin, tư liệu tài nguyên và môi trường” với kinh phí 24,4 tỷ đồng và Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin môi trường, cơ sở dữ liệu môi trường tỉnh” với kinh phí 5,5 tỷ đồng. Phấn đấu trong năm 2025, hoàn thành Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận để đảm bảo tính chính xác, minh bạch, nhanh chóng trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai và phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai.

BẢO NGỌC

Related articles
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số
Chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng yếu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chính vì thế tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi số theo 3 trụ cột chính đó là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên – môi trường