Theo ông Huỳnh Văn Phụng – Phó Chủ tịch UBND xã Mê Pu, huyện Đức Linh, vụ mùa năm nay xã Mê Pu xuống giống trên 800 ha, trong đó hơn 40 ha lúa đang trổ bông bị chuột phá hư hỏng rất nặng. Ngay từ đầu năm, UBND xã Mê Pu đã lập kế hoạch huy động toàn bộ người dân có diện tích gieo, sạ lúa bằng các hình thức thủ công như che chắn, đào hang bắt chuột, dùng thuốc diệt chuột. Bên cạnh đó thường xuyên tuyên truyền người dân thường xuyên đi bắt chuột.
Ông Nguyễn Chí Thanh ở thôn 3, xã Mê Pu cho biết, vụ mùa năm nay chuột phá hoại nhiều hơn so với mọi năm. Đã gần 1 tháng nay, đêm nào ông cũng phải đi bẫy chuột nhằm giảm bớt thiệt hại cho diện tích lúa của gia đình, mỗi ngày bắt được vài chục con.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay tình trạng chuột phá hoại lúa rất nhiều do nhiều nguyên nhân. Trước hết năm nay khu vực vùng trũng bắc sông không bị ngập lụt nên chuột sinh sôi nẩy nở nhiều, các loại động vật giúp ích cho người dân bắt chuột như rắn thì ngày một ít dần. Bên cạnh đó, khu vực này nhiều sông, suối, kênh mương là nơi lý tưởng cho chuột cư ngụ. Ngoài ra, việc người dân diệt chuột chưa thống nhất, đồng bộ, thuốc diệt chuột hiện nay không có hiệu quả bằng thuốc diệt chuột trước đây. Phổ biến hiện nay, người dân dùng bạt bao xung quanh ruộng và dùng bình điện diệt chuột là phương pháp hiệu quả nhất.
Hàng đêm sau khi mặt trời lặn, bắt đầu từ 18 - 22 giờ là lúc chuột đi ăn lúa, người dân ra đồng dùng bình ắc quy 12V kèm theo bộ xiệt điện để bẫy chuột sau đó khoảng 3-4 giờ sáng lại tiếp tục ra ruộng để bẫy chuột diễn ra liên tục hơn 1 tháng nay. Việc nông dân dùng các biện pháp thủ công diệt chuột chỉ là giải pháp tạm thời. Chính quyền địa phương cần có biện pháp đồng bộ nhằm giảm thiệt hại diện tích lúa do chuột phá hoại.