Chống khai thác IUU: Trước đợt “sát hạch” quan trọng cuối cùng Bài 4: Pháp lý rõ ràng, gỡ “thẻ vàng” IUU không còn xa

26/08/2024, 10:39

BTO-Hơn 6 năm qua, Việt Nam nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị của EC trong khai thác IUU, trong đó đáng chú ý là xây dựng khung pháp lý để đưa nghề biển hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, đợt thanh tra lần thứ 5 dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam giành lại “thẻ xanh” IUU.

Tăng mức phạt, tăng tính răn đe

Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ năm 2019 được coi là khung pháp lý cao nhất cho công cuộc chống khai thác IUU của Việt Nam. Cùng với đó, nhiều chỉ thị, nghị định, nghị quyết, thông tư được ban hành, sửa đổi liên tục để kiểm soát nghề cá và nâng cao hiệu quả trong chống khai thác IUU, nhờ đó đã giảm dần số vụ vi phạm. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống quản lý, giám sát toàn diện đội tàu, truy xuất nguồn gốc thủy sản cũng như thực hiện các quy định pháp luật về IUU vẫn còn nhiều khoảng "loang lổ".

z5449610474229_cf98fe3ad90aaf72342b63997749351b.jpg
luc-luong-kiem-ngu-va-bo-doi-bien-phong-phoi-hop-tuan-tra-kiem-soat-cac-phuong-tien-danh-bat-hai-san-anh-n.-lan-2-.jpg
Lực lượng chức năng phối hợp tuần tra, kiểm soát trên biển.

Một trong những nguyên nhân khiến nạn đánh bắt cá trái phép ở nước ta cứ tiếp diễn là do luật pháp chưa nghiêm, chế tài chưa đủ sức răn đe. Do đó, 2 nghị định mới ra đời là Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, như những mảnh ghép khiến khung pháp lý dần hoàn thiện hơn. Thêm vào đó, Nghị quyết số 04 năm 2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản cho thấy, hệ thống pháp luật về thủy sản về cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm như khuyến nghị của EC đưa ra.

z5685200998147_59e179443016917bb04580ae42a2423b.jpg
Lực lượng kiểm ngư phối hợp với Biên phòng tuyên truyền Nghị quyết 04 đến ngư dân. (ảnh: M. V)

Từ khi các nghị định mới ra đời, chủ tàu (nếu là chủ mưu) trước đây vô sự, thì nay được liệt vào đối tượng chịu xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu cá không đồng thời là thuyền trưởng và chủ tàu cá đồng thời là thuyền trưởng để quản lý chặt chẽ hơn. Nghị định số 38 cũng bổ sung, mở rộng thẩm quyền xử phạt và cho phép cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản… Tuy 2 nghị định này mới có hiệu lực từ 19/5/2024, nhưng UBND tỉnh đã mạnh tay xử phạt hành chính 2 vụ/188 triệu đồng; UBND huyện Tuy Phong xử phạt 11 vụ/358 triệu đồng; UBND TP Phan Thiết xử phạt 3 vụ/75 triệu đồng, UBND thị xã La Gi xử phạt 2 vụ/16 triệu đồng. Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định mới đối với hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt từ 500 - 700 triệu đồng, nhằm tăng tính răn đe, các tàu sẽ không còn tình trạng úp nồi cơm hay che lấp thiết bị, tắt thiết bị để trốn tránh, qua mặt cơ quan chức năng.

tau-thuyen-danh-bat-hai-san-anh-n.-lan-58-.jpg
Các nghị định mới ra đời tăng mức xử phạt, tăng đi răn đe đáp ứng các khuyến nghị của EC.

Đặc biệt, Ban Bí thư cũng vừa ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản. Xem nhiệm vụ này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, với quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024. Đây còn là giải pháp bảo đảm phát triển bền vững ngành thủy sản; đảm bảo sinh kế cho hàng triệu ngư dân và người lao động có liên quan. Đồng thời, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam đối với quốc tế.

Tiên phong ban hành Chỉ thị liên quan chống khai thác IUU

Được xem là tỉnh đầu tiên của cả nước tiên phong, bắt tay vào thực hiện ngay và luôn công tác chống khai thác IUU ngay khi ngành thủy sản Việt Nam bị Ủy ban Châu Âu “tuýt còi” vào tháng 10 năm 2017. Đầu năm 2018, Chỉ thị số 30 - CT/TU, ngày 16/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIII) về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ra đời, đánh dấu thời điểm quan trọng để ngành thủy sản trong tỉnh có sự chuyển biến tích cực từ đánh bắt theo kiểu truyền thống sang đánh bắt, khai thác có trách nhiệm.

chuan-bi-ngu-luoi-cu-cho-chuyen-bien-dai-ngay-anh-n.-lan-2-.jpg
Gỡ "thẻ vàng" IUU là giải pháp bảo đảm phát triển bền vững ngành thủy sản.

Nếu giai đoạn 2011 - 2017, toàn tỉnh xảy ra 51 vụ/70 tàu cá/699 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, thì từ khi Chỉ thị số 30 ra đời đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 19 vụ/24 tàu cá/172 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng chức năng bắt giữ. Tuy tình trạng này chưa chấm dứt hoàn toàn, nhưng sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đã giúp ngư dân trong tỉnh có sự chuyển biến từ nhận thức thành hành động.

z5330310927058_8b50191afe9c3d87007d1393c0760fc6.jpg
Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Chỉ thị 30 (ảnh: M. V)

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 6 năm thực hiện Chỉ thị số 30 mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh: Với những kết quả đạt được, các cơ quan chức năng phải huy động mọi nguồn lực, khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn kiểm tra EC chỉ ra tại lần kiểm tra thứ 4. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để làm việc với Đoàn thanh tra EC sang kiểm tra lần thứ 5. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục ngư dân (chủ tàu và gia đình lao động biển), nhằm tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, cam kết không vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài.

tang-qua-ao-phao-co-to-quoc-cho-ngu-dan-phan-thiet-anh-nl-2-.jpg
Thay đổi cách thức tuyên truyền cho ngư dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, cam kết không vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài.

Qua đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 45/CT-TTg; Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 32. Quá trình thực hiện, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các địa phương ven biển và các cơ quan có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chống khai thác IUU; phải xem nhiệm vụ này là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị. Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân của tỉnh khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài…

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải thay đổi cách thức tuyên truyền, vận động ngư dân kịp thời cung cấp, phản ánh thông tin liên quan đến các hành vi vi phạm để ngăn chặn, xử lý. Các cơ quan chức năng, địa phương kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống khai thác IUU. Rà soát, xây dựng, bổ sung Quy chế phối hợp giữa tỉnh Bình Thuận với các địa phương có liên quan và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm của tàu cá hoạt động ngoài tỉnh và tại các vùng biển biên giới có sự chồng lấn để hỗ trợ, tạo sự an toàn cho ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ…

lan07751.jpg
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU chỉ đạo tại buổi làm việc với Bình Thuận.

Cùng với sự chỉ đạo sâu sát từ Ban Bí thư, các nghị định thay thế, sửa đổi, bổ sung đã được ban hành, các công điện chỉ đạo liên tục của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia… về chống khai thác IUU, hy vọng các “khoảng trống” để thực thi pháp luật sẽ được lấp đầy, các khuyến nghị của EC sẽ được khắc phục rõ nét. Khi công cụ pháp lý rõ ràng, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cùng nỗ lực, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, thì trong đợt thanh tra lần thứ 5 sắp tới, cơ hội Việt Nam giành lại “thẻ xanh” IUU không còn quá mong manh.

Tại buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận vào tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đề nghị tỉnh cần phải triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn nữa các giải pháp để đáp ứng yêu cầu, khắc phục những khuyến nghị của EC. Thời gian còn lại không nhiều, từ nay đến tháng 9 là thời điểm cả hệ thống chính trị tập trung vào cuộc, phải đồng lòng thực hiện công tác chống khai thác IUU vì lợi ích quốc gia, lợi ích của dân tộc, bởi lần kiểm tra thứ 5 tới đây của EC là cơ hội cuối cùng để Việt Nam gỡ được “thẻ vàng”.

MINH VÂN, ẢNH: N. LÂN

Related articles
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT kiểm tra giám sát IUU tại Bình Thuận
BTO-Sáng nay (29/5), đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có buổi làm việc tại Cảng cá Phan Thiết về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), để chuẩn bị cho đợt làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chống khai thác IUU: Trước đợt “sát hạch” quan trọng cuối cùng Bài 4: Pháp lý rõ ràng, gỡ “thẻ vàng” IUU không còn xa