Tổ phản ứng nhanh ra đời
Là một trong những địa phương có số phương tiện tàu cá đánh bắt xa bờ lớn của tỉnh với 678/1.954 tàu cá, cũng từng là “điểm nóng” khi liên tục để xảy ra nhiều vụ tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, thị xã La Gi đã triển khai nhiều biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế tình trạng này. Đỉnh điểm vào năm 2022, trên địa bàn thị xã đã xảy ra 3 vụ/4 tàu cá/24 lao động bị lực lượng Malaysia bắt giữ. Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Phường Phước Lộc đã nảy ra sáng kiến “phải gần dân, sát sân” nắm tình hình. Từ danh sách nhóm tàu nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài của thị xã (47 chiếc), Đồn Biên phòng Phường Phước Lộc đã thành lập Tổ phản ứng nhanh, quyết liệt đẩy mạnh công tác kiểm soát, quản lý chặt chẽ các tàu cá này từ bờ ra đến biển.
Trước đó, Đồn Biên phòng Phước Lộc đã phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, chiến sĩ tăng cường tần suất tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa biển, kịp thời nắm bắt đầy đủ thông tin về tàu cá nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu, không để xảy ra tình trạng tàu cá ngư dân địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, còn tích cực phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng rà soát, thống kê tàu cá, ngư dân thường xuyên neo đậu, hoạt động ngoài tỉnh có nguy cơ cao để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt.
Trung tá Hồ Anh Tuấn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Lộc cho biết: “Sau khi trên địa bàn xảy ra nhiều vụ tàu cá và ngư dân xậm phạm vùng biển nước ngoài, cuối năm 2022, đơn vị đã phân công nhiệm vụ cho mỗi cán bộ, chiến sĩ phụ trách từ 2 - 3 phương tiện tàu cá và chủ động lên kế hoạch tuyên truyền, quản lý, giám sát cũng như trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chỉ huy đơn vị nếu những phương tiện này vi phạm. Nhờ giám sát chặt chẽ, nắm bắt nguồn tin từ cơ sở, Tổ phản ứng nhanh này kịp thời phát hiện các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để chủ động ngăn chặn. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá, mỗi đảng viên, chiến sĩ cũng nhanh chóng phối hợp với địa phương, cán bộ thôn, khu phố nắm thông tin khi phát hiện tàu cá mất kết nối trên 6 giờ hoặc vượt ranh giới trên biển, liên lạc với gia đình, kịp thời ngăn chặn từ sớm, từ xa các đối tượng có dấu hiệu vi phạm”.
Vượt qua cám dỗ, dễ hay khó?
Có thể thấy, hầu hết các vụ đánh bắt cá trái phép đều nảy sinh từ ý nghĩ rằng vùng biển nước bạn nhiều cá hơn vùng biển nước mình, nếu trót lọt được 1 vụ sẽ lời to. Chính sự cám dỗ ấy, đã dẫn dắt nhiều ngư dân vượt ranh giới “trộm cá” hết lần này đến lần khác. Đang chính vụ cá nam, nên hầu hết tàu thuyền trong tỉnh đều vươn khơi khai thác hải sản. Nắm thông tin ngư dân Trần Văn T. vừa đánh bắt trở về, chiến sĩ Phạm Hồ Hậu thuộc Đồn Biên phòng Phước Lộc đưa chúng tôi đến nhà ông T. (khu phố 8 – phường Phước Hội – thị xã La Gi) - là 1 trong 3 chủ tàu bị lực lượng Malaysia bắt giữ khi đã mon men sang nước bạn đánh bắt trái phép vào năm 2022.
Khi trò chuyện với chúng tôi, ông T. không ngần ngại kể: “Năm 2022 là lần thứ 4 tôi bị chính quyền nước ngoài bắt giữ khi “trộm cá”, các lần trước là vào các năm 2007, 2017, 2019. Mỗi lần bị bắt họ đều tịch thu tài sản, tiêu hủy tàu và bỏ tù thuyền trưởng lẫn thuyền viên từ 3 – 5 tháng. Sau mỗi lần được thả về, tôi mất trắng, thiệt hại hàng tỷ đồng chỉ vì những giây phút không cưỡng được vùng biển bên kia cá nhiều... Những tích góp từ các chuyến biển trước đều đã tan theo bọt sóng, nên khi trở về tôi không biết làm gì. Hơn 40 gắn bó với nghề biển, một phần vì gánh nặng gia đình, đầu năm 2023 tôi vay ngân hàng, mượn khắp nơi sắm lại tàu mới dài 16 mét, tiếp tục đánh bắt vùng biển Trường Sa”.
Hiện ông T. vẫn đang nằm trong danh sách theo dõi đặc biệt của địa phương và được cán bộ, chiến sĩ biên phòng thường xuyên gặp gỡ tuyên truyền, vận động. Trong quá trình trao đổi, tôi nghe các anh em chiến sĩ gọi ông là “bố T.” rất gần gũi, xem ông như người thân sau nhiều lần đến nhà rỉ rả. Thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, phổ biến các quy định về khai thác thủy sản, ông T. hiểu rõ về hành vi đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài không chỉ gây thiệt hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến uy tín của mặt hàng thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng hình ảnh quốc gia. “Từ thực tiễn chua xót của bản thân, trong các buổi cà phê, trà chiều với “bổn đạo”, tôi đều khuyên mọi người đừng lầm đường, lạc lối, đừng vì hám lợi trước mắt mà mang tiếng cả đời. Nay theo quy định mới, vi phạm vùng biển nước ngoài không chỉ bị tịch thu tài sản, phạt tiền hàng tỷ đồng mà mức án tù lên đến 3 năm…”, ông T. chia sẻ. Việc nắm chắc các quy định, cũng như trải qua nhiều tháng hiu quạnh nơi xứ người, đủ để ông T. thấm thía, không dám vượt ranh giới thêm lần nào nữa dù từ đầu năm đến nay, 5 chuyến ra khơi của ông đều không có lãi. Với những gì ông trải qua, hy vọng ngư dân T. sẽ là tuyên truyền viên đắc lực để những chủ tàu, thuyền trưởng khác đang có ý định “trộm cá” cũng phải rụt rè.
Từ La Gi, các địa phương khác như huyện Phú Quý, Tuy Phong cũng triển khai quyết liệt, thành lập các Tổ phản ứng nhanh vừa kết hợp tuyên truyền, vận động, yêu cầu ký cam kết; vừa huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cử cán bộ, chiến sĩ, đảng viên trên địa bàn phụ trách theo dõi, giám sát, kịp thời ngăn chặn không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, ngoài vụ việc 1 tàu cá (huyện Hàm Tân) vi phạm bị Malaysia bắt giữ đầu năm 2023 (tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính chủ tàu 900 triệu đồng), đến nay không phát sinh thêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Yêu cầu lực lượng Biên phòng vùng biển phối hợp với lực lượng liên quan tổ chức đợt cao điểm từ nay đến 30/9/2024, kiểm soát 100% tàu cá xuất nhập bến, ra vào tại các cảng cá, bến tạm; kiên quyết không cho tàu cá không đảm bảo điều kiện hành nghề xuất bến, rời cảng đi hoạt động thủy sản trên biển, không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nếu để bất cứ tàu cá vi phạm bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài thì người đứng đầu của cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh tại các cuộc họp Ban chỉ đạo IUU