Chính phủ lâm thời Bangladesh tuyên thệ nhậm chức

09/08/2024, 09:00

Tối 8/8, ông Muhammad Yunus, chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2006, tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo chính phủ lâm thời của Bangladesh.

Chính phủ lâm thời tại Bangladesh còn được gọi với cái tên Hội đồng cố vấn gồm 16 thành viên, do nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Muhammad Yunus đứng đầu. Nhiệm vụ chính của Chính phủ lâm thời vào lúc này là khôi phục hòa bình và trật tự tại Bangladesh và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử mới.

2024_08_08t155035z_1042159094_rc2rb9agh7pj_rtrmadp_3_bangladesh_protests_20240809022216_1.jpg

Thủ tướng lâm thời Bangladesh Muhammad Yunus tuyên thệ nhậm chức tối ngày 8/8 dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mohammed Shahabuddin (Ảnh: Reuters)

Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Chính phủ lâm thời tại Bangladesh diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng thống Mohammed Shahabuddin. Giáo sư kinh tế học Muhammad Yunus, 84 tuổi, người vừa trở về từ Paris, Pháp vào chiều cùng ngày, tuyên thệ nhậm chức Cố vấn trưởng, tương đương chức Thủ tướng Chính phủ lâm thời.

Buổi lễ diễn ra với sự chứng kiến của các nhà ngoại giao nước ngoài, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, các doanh nhân, và các thành viên của đảng đối lập trước đây. Tuy nhiên, không có đại diện nào của đảng Liên đoàn Awami của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina hiện diện tại buổi lễ.

Thủ tướng lâm thời Bangladesh Muhammad Yunus là một doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực xã hội. Ông là người sáng lập Ngân hàng Grameen, và được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2006 vì những nỗ lực trong việc tạo ra sự phát triển kinh tế và xã hội thông qua sáng kiến tín dụng vi mô.

Khi vừa đặt chân về nước vào buổi chiều ngày 8/8, ông Yunus đã đưa ra lời kêu gọi chân thành tới những người ủng hộ mình và toàn thể người dân Bangladesh hãy giữ bình tĩnh và chấm dứt tình trạng hỗn loạn. Ông nhấn mạnh rằng “trách nhiệm đầu tiên” của ông và Chính phủ lâm thời là đảm bảo người dân được an toàn.

Bangladesh đang phải trải qua giai đoạn bất ổn chính trị và an ninh khi cựu Thủ tướng Sheikh Hasina phải từ chức vào ngày 5/8 sau làn sóng biểu tình lan rộng khắp cả nước. Các cuộc biểu tình, chủ yếu do sinh viên lãnh đạo, đòi chấm dứt chế độ hạn ngạch việc làm trong các cơ quan nhà nước, đã chuyển thành các cuộc biểu tình chống chính phủ.

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Pháp điều tra mối đe dọa giết giám đốc nghệ thuật Thế vận hội Olympic 2024
Chính quyền Pháp vừa mở cuộc điều tra về mối thù ghét nhắm vào giám đốc nghệ thuật của lễ khai mạc Thế vận hội Olympic 2024 Thomas Jolly.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ lâm thời Bangladesh tuyên thệ nhậm chức