Chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi tôm

05/08/2021, 10:43

BT- Nhằm từng bước cải thiện dần môi trường phục vụ nghề nuôi tôm, hướng đến một môi trường nuôi tôm bền vững cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra, việc sử dụng chế phẩm sinh học vào nuôi tôm là cần thiết.

Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao bạt chìm.

Mới đây, Trung tâm Kỹ thuật & Dịch vụ nông nghiệp Hàm Thuận Nam triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước đã thực hiện thành công mô hình “Sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao”. Theo đó trung tâm này ứng dụng chế phẩm vi sinh Baru xử lý môi trường nuôi tôm thẻ chân trắng ở bể tròn ao bạt nổi và ao bạt chìm tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết và thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc… Tại xã Tiến Thành, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bể tròn nổi thể tích 400 m3, hệ thống sục khí 24/24h; mật độ thả nuôi: 180 con/m2. Còn ở thị trấn Phú Long nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao bạt chìm diện tích 1.500 m2, hệ thống 4 giàn quạt chạy 24/24h, mật độ nuôi 120 con/m2. Cả 2 mô hình thí điểm đều sử dụng giống tôm Post 12, thức ăn công nghiệp của Công ty CP, thử nghiệm Baru 3 lít/1.000 m3 nên chỉ thay nước và vệ sinh ao nuôi 3 ngày/lần…

Anh Trương Hoàng Anh Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật & Dịch vụ nông nghiệp Hàm Thuận Nam cho biết: “Qua nuôi thí điểm cho thấy môi trường ao nuôi đảm bảo nhiệt độ, pH nước, oxy hòa tan, độ trong, độ kiềm phù hợp trong quá trình sinh trưởng của tôm. Điều quan trọng từ kết quả mô hình là môi trường ao nuôi luôn ổn định, các chỉ số vật lý, hóa học luôn được kiểm soát. Tôm nuôi có tốc độ phát triển rất nhanh, màu sắc đẹp, sức đề kháng cao, không xảy ra các loại bệnh. Bên cạnh đó, sử dụng chế phẩm sinh học nên người nuôi không sử dụng hóa chất hay kháng sinh vào ao nuôi, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn phục vụ cho người tiêu dùng. Trong vụ vừa qua, các ao nuôi lân cận phải thu hoạch sớm hơn dự kiến, nhưng mô hình nuôi ứng dụng chế phẩm vi sinh tại 2 địa phương trên cho kết quả tốt, sau 100 ngày tôm nuôi theo quy trình này đạt kích cỡ thương phẩm tốt, tỷ lệ sống cao lên đến 90% khi thu hoạch”.

Thành công của mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao đã khẳng định được hiệu quả về mặt kinh tế cũng như về vấn đề môi trường, dần mở ra hướng đi phù hợp và hướng tới phát triển nghề nuôi tôm bền vững cho nhiều địa phương trong tỉnh. Từ đó tạo điều kiện cho bà con nuôi tôm được tiếp cận khoa học kỹ thuật, tin tưởng, mạnh dạn, đầu tư chế phẩm sinh học vào nghề nuôi tôm thẻ chân trắng, từng bước loại bỏ hoàn toàn hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm. 

“Chế phẩm vi sinh trên cũng được ứng dụng xử lý môi trường chăn nuôi trang trại heo tại xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình không còn mùi hôi. Bà con nông dân trong tỉnh cần tìm hiểu cách sử dụng hiệu quả các chế phẩm sinh học uy tín trong, ngoài nước cho chăn nuôi, trồng trọt; phân biệt hàng nhái, hàng giả để ứng dụng các chế phẩm vi sinh uy tín vào chăn nuôi, trồng trọt tăng năng suất, hiệu quả, gắn bảo vệ môi trường trong khu vực”, anh Khoa chia sẻ thêm.

T. Khoa


Related articles

(0) Comments
Focus
Đảm bảo môi trường du lịch an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày được xác định là “cơ hội vàng” cho toàn ngành du lịch. Với lợi thế về thiên nhiên, sự đa dạng các loại hình du lịch cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, lượng khách đến Bình Thuận trong dịp Tết năm nay được dự báo sẽ tăng cao. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, ngành du lịch còn tổ chức nhiều hoạt động tăng tính trải nghiệm, tạo sân chơi cho du khách.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi tôm