Chế biến nông - lâm - thủy sản cần theo hướng “sâu, chuỗi”…

30/11/2023, 05:53

Dù có điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển, song lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản đến nay vẫn chưa khai thác đem lại hiệu quả tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh…

Bình Thuận hiện sở hữu trên 270.000 ha đất nông nghiệp và có vùng nguyên liệu tập trung như với cây cao su (hơn 42.000 ha, sản lượng 50.000 tấn), cây thanh long (trên 27.000 ha, sản lượng 500.000 tấn)… Đây cũng là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn với 346.278 ha, có trữ lượng khoảng 353 triệu m3 gỗ (trong đó rừng sản xuất là 172.735 ha). Ngoài ra Bình Thuận còn là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước với sản lượng khai thác trung bình đạt 197.000 tấn/năm cùng diện tích nuôi trồng thủy sản các loại khoảng 4.100 ha... Từ tiềm năng và lợi thế vừa nêu, địa phương có khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản, lâm sản, hải sản quy mô lớn. Tuy nhiên trong thời gian qua, tình hình thu hút dự án đầu tư ở lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các khu công nghiệp (KCN) còn khá khiêm tốn.

unnamed-7-.jpg
Lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản tại Bình Thuận cần được đầu tư phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chế biến sâu... (Ảnh minh họa)

Theo ghi nhận của Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, đến nay toàn tỉnh có 19/88 dự án trong KCN tham gia sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực nông - lâm - thủy sản với tổng vốn đầu tư 388,67 tỷ đồng và 34,78 triệu USD. Hiện hầu hết các dự án đã đi vào hoạt động và tạo việc làm cho gần 2.900 lao động, chủ yếu là về chế biến nông sản (11 doanh nghiệp), chế biến thủy hải sản (6 doanh nghiệp), chế biến gỗ (2 doanh nghiệp)… Tính riêng năm 2022, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông - lâm - thủy sản trong KCN trên địa bàn tỉnh đạt doanh thu 4.175,9 tỷ đồng, đóng góp kim ngạch xuất khẩu 149,6 triệu USD và nộp ngân sách 25,7 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng doanh thu của nhóm ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 42,89% trên tổng doanh thu của toàn KCN.

Qua tìm hiểu được biết, trong số 6 doanh nghiệp chế biến thủy hải sản thì có 4 doanh nghiệp hoạt động ổn định, 1 doanh nghiệp chuyển sang chế biến sản phẩm từ tổ yến và trường hợp còn lại đầu tư xây dựng đã lâu nhưng chưa đi vào hoạt động. Về chế biến nông sản có nhiều doanh nghiệp đăng ký triển khai dự án tại các KCN, song chủ yếu chỉ tham gia sơ chế, bao gói xuất khẩu trái thanh long tươi sang thị trường Trung Quốc. Cũng có doanh nghiệp chuyên chế biến thanh long sấy nhưng sản phẩm tiêu thụ rất thấp, hay như trường hợp sản xuất rượu thanh long đã dừng hoạt động bởi sản phẩm chưa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng… Trong khi đó, nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm từ gỗ, hạt điều hoặc chế biến thủy sản hầu như đều phụ thuộc nhập khẩu, do tại địa phương chưa khai thác đáp ứng được yêu cầu chế biến (như không ổn định về sản lượng và chủng loại…).

Thế nên tại Hội thảo Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ trên lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản vừa được Ban Quản lý các KCN Bình Thuận tổ chức cũng đã thẳng thắn nhìn nhận mặt tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Đó là dù hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu đạt một số kết quả nhất định, song lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản đến nay vẫn chưa khai thác đem lại hiệu quả tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Thực tế cho thấy, Bình Thuận hiện là “thủ phủ” thanh long của cả nước, nhưng việc chế biến và xuất khẩu thanh long lại gặp rất nhiều khó khăn. Sản phẩm chủ yếu là sơ chế có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng thấp, trong khi xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc nên đầu ra không ổn định…

Vì vậy tới đây, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN trên lĩnh vực này tại địa phương cần tập trung theo hướng chế biến sâu, sản xuất theo chuỗi giá trị của từng loại sản phẩm. Như khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chế biến sâu gắn với liên doanh, liên kết, hợp tác để cùng đầu tư - khai thác tiềm năng, lợi thế đem lại hiệu quả cao hơn. Đồng thời cũng tính đến các giải pháp khả thi nhằm nỗ lực đưa sản phẩm nông nghiệp chế biến của Bình Thuận từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

QUỐC TÍN

Related articles
Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023:
Hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 với chủ đề Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn vừa được Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức sáng nay (16/11) tại Hà Nội, được kết nối đến 63 điểm cầu tỉnh, thành trong nước. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ nguyên & Môi trường Đặng Quốc Khánh; đại diện bộ ngành Trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

(0) Comments
Focus
A New Rising Star
BTO-Joao Fonseca, a tennis player ranked 145th in the ATP standings, has caused a stir in the global tennis community after winning the 2024 Next Gen ATP Finals with the lowest ranking among the players in the tournament. With a mature, intelligent, and powerful playing style, Joao promises to be a formidable opponent for Alcaraz and Sinner in the 2025 season.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chế biến nông - lâm - thủy sản cần theo hướng “sâu, chuỗi”…