Theo thống kê của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (Trung tâm), từ 1/1/2024 đến ngày 30/10/2024, Trung tâm và Chi nhánh đã tiếp nhận mới 203 vụ việc (tăng hơn 66,6% so cùng kỳ năm 2023) tham gia tố tụng cho các đối tượng là trẻ em, người bị buộc tội từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, đồng bào dân tộc sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, người có công cách mạng, người khuyết tật, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo, người cao tuổi có khó khăn về tài chính... Số vụ việc đề nghị TGPL tăng là nhờ Trung tâm đã tăng cường truyền thông trên các phương tiện truyền thông như báo, đài, website, facebook, phân công viên chức trực TGPL tại tòa án và trực TGPL trong điều tra hình sự tại các cơ quan công an, tòa án. Cùng với đó các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 10/2018 về việc đẩy mạnh hoạt động giải thích, hướng dẫn, thông tin, thông báo, giới thiệu đối tượng được TGPL đến Trung tâm TGPL và các Chi nhánh TGPL thuộc Trung tâm. Chính vì vậy, hầu hết các vụ việc TGPL đều được cử tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra (án hình sự), giai đoạn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện (án dân sự, hành chính). Các trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) luôn nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng do Bộ Tư pháp đề ra. Quá trình tham gia tố tụng, TGVPL đều thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc người được TGPL, thu thập chứng cứ, chuẩn bị bản luận cứ và tham gia tranh luận tại phiên tòa. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật của vụ án, giúp cho Hội đồng xét xử đánh giá khách quan, toàn diện, đúng bản chất vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích cho người được TGPL.
Hầu hết các vụ việc hoàn thành đều được thẩm định chất lượng. Qua thẩm định, đánh giá chất lượng cho thấy, các vụ việc thành công, hiệu quả đạt tỷ lệ cao, nhiều vụ việc tham gia tố tụng, quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL như: được tăng mức bồi thường thiệt hại, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân, thậm chí được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt...
Bình Thuận là tỉnh có địa bàn rộng, với 10 huyện, trong đó có 11 xã và 20 thôn thuần và xen ghép đồng bào các dân tộc thiểu số nên nhiều người nhận thức pháp luật còn hạn chế, khả năng tiếp cận các tài liệu pháp luật còn ít. Chính vì vậy, hoạt động TGPL hiệu quả của Trung tâm và Chi nhánh đã giúp người dân có địa chỉ tin cậy khi có vướng mắc về pháp lý. Nhất là từ khi thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng đã tạo ra những bước chuyển mới trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người thực hiện TGPL. Đồng thời là điều kiện thuận lợi cho người được TGPL tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước trong tình huống có vướng mắc về pháp luật.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, với địa bàn rộng, dân số đông, đối tượng được TGPL tập trung chủ yếu ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại hết sức khó khăn, công tác truyền thông chưa được đa dạng nên một số người dân vẫn chưa được biết đến hoạt động TGPL của trung tâm và chi nhánh. Việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số huyện với các tổ chức thực hiện TGPL còn chưa được thường xuyên, chưa chủ động.
Bà Nguyễn Thị Kiều Châu, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết: Chất lượng công tác TGPL đã và đang ngày một nâng lên, có chiều sâu, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng yếu thế trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính... và được người dân tin tưởng. Trung tâm xác định tập trung thực hiện vụ việc, nhất là vụ việc tham gia tố tụng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai hiệu quả hoạt động theo Thông tư liên tịch số 10, hướng dẫn để các đối tượng thuộc diện được TGPL được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước một cách sớm nhất và tốt nhất, giúp họ vơi bớt những khó khăn khi gặp phải vấn đề pháp lý trong cuộc sống. Đồng thời, Trung tâm tăng cường hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho các TGVPL, thực hiện tốt việc theo dõi, đánh giá, nâng cao hiệu quả hoạt động của các TGVPL tham gia TGPL...