Chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII: Niềm tin và kỳ vọng của hội viên, phụ nữ

09/03/2022, 05:59

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 sẽ diễn ra từ ngày 9 – 11/3/2022, với chủ đề “Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước”.

Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị lớn, là niềm vui chung của cả toàn thể cán bộ hội viên, phụ nữ Việt Nam khi nhìn lại các thành tựu văn hóa, kinh tế, xã hội. Riêng với cán bộ, hội viên phụ nữ, đây thật sự là cơ hội tốt để tuyên truyền với toàn xã hội về vai trò của Hội với công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Đoàn đại biểu Bình Thuận gồm 13 người, đại diện cho trên 435.000 phụ nữ toàn tỉnh tham dự. Trước thềm đại hội, các cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh đã gửi gắm những niềm tin và kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới.

Bà Nguyễn Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Vun đắp các giá trị gia đình trong thời kỳ mới

c-thao-pn.jpg

Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội, đồng thời xác định giải pháp, nhiệm vụ để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là hết sức cần thiết, Hội LHPN tỉnh đã gửi tới đại hội một số đề xuất như: Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác gia đình gắn với các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”, phong trào thi đua của Hội “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới - có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”. Phát huy tinh thần yêu nước, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình, tham gia phòng chống mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Chú trọng các mô hình, các hoạt động chăm lo, bảo vệ, phát huy vai trò của hội viên, phụ nữ theo từng đối tượng, vùng, miền.

Cùng với đó, tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, phát hiện những vấn đề bất cập trong xây dựng và thực thi chính sách để đề xuất chính sách, giải pháp liên quan đến bình đẳng giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Phải có sự phối hợp thống nhất và đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ trong quản lý và triển khai thực hiện về công tác gia đình. Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết. Có trình độ, chuyên môn về công tác gia đình, có phương pháp làm việc khoa học, gần gũi cơ sở. Hiểu biết sâu sắc chính sách, pháp luật; chủ động, linh hoạt, thích ứng với bối cảnh tình hình mới, nhất là trong điều kiện hiện nay. Cũng như kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân và nhân rộng điển hình, mô hình hay về công tác gia đình để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Bà Ngô Thị Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN TP. Phan Thiết:

img_7554.jpeg

Vinh dự được tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, bản thân tôi mong muốn Đại hội nhiệm kỳ 2022 - 2027 sẽ bầu ra đội ngũ Ban Chấp hành là những cán bộ nữ đủ đức, đủ tài, đủ năng lực, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước để lãnh đạo công tác hội và phong trào phụ nữ ngày càng phát triển. Đồng thời, Hội sẽ có nhiều chính sách quan tâm đến lợi ích của phụ nữ và trẻ em. Nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng biển, khi nơi đây đang chịu ảnh hưởng lớn của quá trình đô thị hóa.

Chị Lê Thị Thu Hải – Chủ tịch Hội LHPN xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết: Quan tâm phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19

hai.jpg

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, trong đó có lực lượng lao động nữ. Tôi mong muốn trong kỳ đại hội này, Hội LHPN Việt Nam quan tâm nhiều đến giải pháp phát triển kinh tế cho phụ nữ sau đại dịch. Đặc biệt là các giải pháp giúp phụ nữ đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp. Đồng thời có chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích cán bộ chi, tổ hội tham gia nhiệt tình với công việc trước yêu cầu thực tế hiện nay.

Chị Trần Thị Lý – Giám đốc Công ty gỗ Hương Lý: Hỗ trợ chị em khởi nghiệp

c-tran-thi-ly.jpg

Đa phần các sản phẩm của phụ nữ làm ra phải tự tìm tòi sáng tạo và tự tìm đầu ra nên gặp rất nhiều khó khăn. Tôi mong Hội LHPN sẽ luôn đồng hành với các cơ sở, doanh nghiệp mới thành lập trong việc đưa các sản phẩm hữu ích, mang thương hiệu địa phương ra thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nữ lao động tại địa phương tăng thu nhập. Cùng với đó, có thêm những đề án, chương trình, tăng nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, để chị em có thêm động lực chủ động vươn lên, vận dụng sáng tạo các kiến thức đã được tập huấn và kinh nghiệm phát triển kinh tế, ngày càng khẳng định được vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

THÙY LINH

Related articles
Sinh hoạt chi bộ: Chất lượng phải được nâng lên
Chi bộ là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Tổ chức sinh hoạt chi bộ đạt chất lượng cao chính là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, chất lượng sinh hoạt chi bộ nhất thiết phải được nâng lên.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII: Niềm tin và kỳ vọng của hội viên, phụ nữ