Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là sứ mệnh của Đảng

10/02/2022, 06:19

Như chúng ta đã biết, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là sứ mệnh của Đảng, là mục tiêu và bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân đã được Đảng và Nhà nước vận dụng, cụ thể hóa trong Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 1991 và năm 2011 (bổ sung và phát triển) về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

pho.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm chúc tết Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Đặng. Ảnh: Đ. Hòa

Với phương châm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Theo đó, không ngừng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, sinh viên. Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nhìn lại năm 2021, một năm đầy bất trắc trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đời sống của nhân dân gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, người có công nhằm chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, bảo đảm không đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất. Các ngành, địa phương còn tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Phải khẳng định rằng, thời gian qua các chính sách hỗ trợ theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ đã góp phần san sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Tính đến tháng 12/2021, các đơn vị, địa phương đã chi hỗ trợ cho hơn 37.000 trường hợp với số tiền gần 70 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ thêm cho trẻ em là bệnh nhân mắc Covid-19, người thực hiện cách ly y tế… Để triển khai chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện các chính sách hỗ trợ. Theo đó, việc chi trả hỗ trợ cho người lao động ở các địa phương trong thời gian qua đều đảm bảo đến tay người lao động và theo yêu cầu của Trung ương và UBND tỉnh trong công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là tại một số địa phương trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai các nghị quyết của Chính phủ và sớm cho chủ trương về chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ nghèo, người cao tuổi không nơi nương tựa trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp. Các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã phối hợp chặt chẽ, tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đạt kết quả khá tốt trong điều kiện toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là 2 địa bàn lớn của tỉnh là thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc chi hỗ trợ cho người lao động ở một số địa phương được thực hiện ngay sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh.

Bước sang năm 2022, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng và là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025). Để công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân được tốt hơn nữa đòi hỏi các ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo và triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế. Quan tâm giải quyết hậu dịch Covid-19 cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đổi mới nội dung, hình thức xây dựng Đảng, chính quyền, chăm lo người nghèo sao cho ngày càng đạt hiệu quả hơn trước, đồng thời tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội để tạo thêm niềm tin trong nhân dân...

THANH QUANG

Related articles
Thủ tướng Chính phủ dâng hương viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong chuyến công tác kiểm tra Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Bình Thuận, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến dâng hương viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận và thăm trường Dục Thanh, TP. Phan Thiết vào chiều ngày hôm nay (5/2).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là sứ mệnh của Đảng