Cấp dưới vi phạm nồng độ cồn, cấp trên bị xem xét trách nhiệm

29/10/2024, 05:05

Ngày 17/9/2024 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm (Chỉ thị số 35/CT-TTg). Để triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ thị này, mới đây, đồng chí Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch 3811/KH-UBND để triển khai thực hiện.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35 đến tất cả cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, lực lượng vũ trang nhân dân phải gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và tăng cường hơn nữa công tác quản lý, chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ, công chức, viên chức trong chấp hành pháp luật về giao thông để định hình lại thói quen chấp hành pháp luật, trước hết là pháp luật về giao thông, cũng như các quy định khác của pháp luật trong toàn xã hội. Việc xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch, nghiêm minh, đúng pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân.

z5974140037803_2621e9fa9a181554c373bce7a675c022.jpg
Lực lượng CSGT Công an tỉnh lập chốt đo nồng độ cồn.

Để thực hiện tốt Chỉ thị 35, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 23, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Chỉ thị số 10 ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tiên phong, gương mẫu trong chấp hành pháp luật về giao thông. Đồng thời, vận động người thân, bạn bè chấp hành và không lợi dụng uy tín, vị trí công tác để can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông của các lực lượng chức năng, nhất là vi phạm nồng độ cồn; với tinh thần thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

z5974129208920_175ec69986b3d20300d33a7bbb6381fa.jpg
Ra quân tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Trách nhiệm người đứng đầu

Cũng theo kế hoạch, thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm quy định “đã uống rượu bia, không điều khiển phương tiện giao thông”. Khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, cơ quan quản lý cán bộ căn cứ quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quy định riêng của cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Trên tinh thần bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; định kỳ hằng quý và hằng năm (trước ngày 15/10) gửi kết quả xử lý vi phạm, kết quả xử lý kỷ luật (nếu có) cho cơ quan gửi thông báo vi phạm và Sở Nội vụ để theo dõi, tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát (gồm cả giám sát từ nhân dân) về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi tham gia giao thông đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng phân công cụ thể cho các sở ngành, địa phương căn cứ đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ để triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả đối với Chỉ thị 35 và Kế hoạch 3811/KH-UBND.      

P. SINH

Related articles
“Khóc ròng” vì vi phạm... nồng độ cồn
Vốn đã “khóc dở mếu dở” vì phải đóng tiền phạt vi phạm nồng độ cồn, mất quyền sử dụng giấy phép lái xe hạng A1 hơn 20 tháng, ông Nguyễn Thanh N ở phường Phú Tài, TP. Phan Thiết còn bị “treo” giấy phép lái xe (GPLX) hạng C, do trước đây tích hợp 2 trong 1, dẫn đến mất việc làm.

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấp dưới vi phạm nồng độ cồn, cấp trên bị xem xét trách nhiệm